Hồi hộp chờ diễu binh

Hồi hộp đón chờ giờ diễu binh lớn nhất lịch sử

Người dân chờ buổi diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long với tâm trạng phấn khởi, hồi hộp.
Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành được xem là lớn nhất trong lịch sử để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sẽ được tổ chức vào 8 giờ sáng 10/10 đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Điều này không chỉ thể hiện ở việc tại lễ Tổng duyệt, người dân rạo rực “ngóng” đoàn diễu binh đi qua, mà nhiều người còn hạ quyết tâm đến từ sớm tinh mơ trong ngày 10/10 để được mục sở thị chương trình hoành tráng. Đi sớm… “xí” chỗ Những ngày Đại lễ, ngoài việc phi xe máy từ nhà ở huyện Thường Tín lên trung tâm thành phố Hà Nội để chứng kiến những sự kiện quan trọng, ông Ngô Hải (58 tuổi) còn thường xuyên đọc báo, nắm thông tin về buổi mít tinh trọng thể mừng Đại lễ. Gặp phóng viên Vietnam+ bên ngoài buổi Tổng duyệt trước thềm Đại lễ tối ngày 7/10, ông Hải kể rằng, mình tới Ba Đình từ lúc 4 giờ chiều. Thế nhưng, ông đã không được vào khu vực Quảng trường để tận mắt chứng kiến buổi Tổng duyệt này. Nán lại bên ngoài để theo dõi, cuối cùng, ở thời điểm buổi Tổng duyệt kết thúc, ông Hải cũng thấy các chiến sĩ rảo bước trên phố Ngọc Hà, miệng ca vang khúc quân hành. “Tuy không vào được bên trong, nhưng nhìn thấy thế này cũng coi như chuyến đi của tôi hôm nay không bị lãng phí,” ông nói. Không quên hỏi lực lượng bảo vệ về việc có cấm đường ngày mít tinh chính thức hay không, ông Hải cười tươi cho biết, ngày 10/10 sẽ dậy thật sớm để “dọn chỗ” ở khu vực Quảng trường Ba Đình, ngắm xem buổi diễu binh. Ngoài ra, ở quê việc đồng áng đã tạm xong nên nhiều người đã bàn nhau kéo ra trung tâm để chứng kiến diễu binh lớn nhất trong lịch sử. Còn riêng với ông Hải, cuộc diễu binh này còn khơi dậy ký ức về hình ảnh cuộc duyệt binh năm 1976, khi ông là một trong những người lính tham gia. “Ngày ấy, chúng tôi được lựa chọn kỹ càng. Chân phải bước dài, đều ở khoảng cách 75cm, khi đánh tay phải vuông góc, ngang ngực, chạm khuy áo thứ hai từ trên xuống,” ông Hải nhớ lại. Bây giờ, kỹ thuật thì vẫn thế, nhưng trang phục thì đã đẹp hơn trước rất nhiều. Bởi thế, ông Hải tin cuộc diễu binh này sẽ rất hoành tráng với nhiều lực lượng vũ trang tham dự. Còn bà Trần Thị Bảy (quê ở Thanh Chương, Nghệ An) cũng bởi nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, lại có cô con gái đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, nên bà hạ quyết tâm ra Hà Nội lần đầu tiên. Trong buổi Tổng duyệt mít tinh, diễu binh, diễu hành trước thềm Đại lễ, bà Bảy được “bố trí” một chỗ ngồi cạnh các phóng viên để tiện quan sát. “Xem trên tivi thấy đã rực rỡ rồi, ra đến nơi, đi chơi Hồ Gươm, phố cổ, giờ ngồi xem duyệt binh… mới thấy Đại lễ hoành tráng quá,” bà Bảy cười, nói. Nhường “vé” cho người thân Ở một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Yết (Khu tập thể 77 Lê Hồng Phong) cho biết, mặc dù ông có giấy mời xem buổi Tổng duyệt diễu binh, cũng như ngày mít tinh chính thức, song ông sẽ hòa chung vào dòng người đi xem chứ không ở chỗ dành cho mình. Nói nguyên do, ông Yết cho hay những ngày này, một số người già ở quê [Thái Bình-pv] đã ở tại nhà ông để đi xem những sự kiện quan trọng của 10 ngày Đại lễ. Do đó, ông Yết đã đem vé của mình biếu các cụ để họ có thể vào ngồi ở một vị trí có thể quan sát toàn bộ sự kiện mít tinh, diễu binh, diễu hành. Về phần mình, ông Yết sẽ dậy sớm để tới khu vực Quảng trường, hòa vào dòng người được tiên đoán là sẽ rất đông đúc. “Ngồi thì quan sát dễ, nhưng chen chân cùng mọi người cũng có cái hay. Tôi sẽ biết được thêm không khí, tâm trạng của ‘những người bạn đồng hành’,” ông Yết tếu. Không có “suất” để nhường như ông Yết, anh Vũ Huy Hùng (trú tại ngõ 44 phố Đội Cấn cho biết, những ngày này anh lên mạng Chat, nhắn tin để… xin vé của bạn bè. Song đến nay đã là ngày 9, bố mẹ và đứa em nhỏ của anh Hùng đã lục tục bắt xe từ Thái Nguyên về Hà Nội mà anh vẫn không nhận được “suất” nào. Anh Hùng cho biết: “Sự kiện này rất nhiều năm mới có một lần nên nếu ngồi nhà xem tivi, hoặc xem tại các màn hình lớn thì rất thiếu không khí. Do đó nếu không kiếm được vé mời thì sẽ cả nhà anh sẽ phải dậy thật sớm để đến Quảng trường Ba Đình. Trong trường hợp đến sớm mà vẫn không có chỗ, anh sẽ đưa người nhà ra các điểm xem bằng màn hình lớn ở những chỗ sẽ có đoàn diễu binh đi qua. Theo anh Hùng, đây là giải pháp “tối ưu” để vừa theo dõi tường thuật trực tiếp toàn bộ trên tivi, vừa có thể tận mắt thấy đoàn diễu binh.
Không chỉ những người dân hồi hộp đón xem chương trình mít tinh diễn ra, mà bản thân những chiến sĩ diễu binh, diễu hành cũng cùng tâm trạng.

Nói với phóng viên Vietnam+, vận động viên Mẫn Bá Xuân (đoàn Quân đội), người sẽ chịu trách nhiệm cầm rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Quảng trường Ba Đình để thắp lên đài lửa cho biết, mình rất tự hào khi được giao nhiệm vụ này. Song, bên cạnh đó là những lo âu không nhỏ bởi đây là một điểm nhấn quan trọng trước giờ khai mạc buổi lễ quan trọng.

“Cách đây 3 tháng, chúng tôi phải luyện tập rất vất vả. Bước chạy, tay vung phải thật đều…,” anh Xuân cho biết.

Tuy nhiên, điều khó nhất, theo anh Xuân đó chính là việc phải đứng làm tiêu binh trước đài lửa trong suốt buổi lễ. Nhờ có các cán bộ Lữ đoàn 44 hướng dẫn, đoàn vận động viên thể thao rước đuốc giờ có thể đứng bất động 3 tiếng đồng hồ.

Với sự cố gắng của 31.000 người tham gia buổi diễu binh, diễu hành và sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng của Ban tổ chức, anh Xuân tin tưởng, buổi lễ sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, thỏa lòng người dân cả nước.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục