Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 diễn ra vào ngày 27/10 đã thảo luận về phương hướng hợp tác và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc thúc đẩy phục hồi toàn diện hậu đại dịch COVID-19 cũng như các cách thức tăng cường hợp tác nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó công nhận tầm quan trọng của việc phục hồi bền vững hậu đại dịch trên các mặt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các nỗ lực trong hành động khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030.
EAS khuyến khích thúc đẩy hợp tác trong việc đảm bảo phát triển kỹ năng bao trùm và lâu dài, cũng như kiến thức kỹ thuật số và hợp tác giáo dục đôi bên cùng có lợi.
EAS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi tài chính của khu vực trước các cú sốc từ bên ngoài, bằng cách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, giám sát nhất quán các rủi ro, tiếp tục hợp tác tài chính khu vực cũng như tăng cường hợp tác với các thể chế tài chính quốc tế.
[Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 16]
EAS tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong việc giải quyết và phục hồi sau những tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với các cá nhân, gia đình, cộng đồng và các nền kinh tế trong khu vực; và nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác trong quản lý thiên tai.
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy kết nối nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ trong khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch; nhấn mạnh vai trò thiết yếu của thương mại và đầu tư trong việc giải quyết tác động của đại dịch và tạo điều kiện phục hồi kinh tế mạnh mẽ cho tất cả người dân.
Trên tinh thần đó, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu nhất nhằm hỗ trợ y tế cộng đồng và các phản ứng kinh tế vào thời điểm quan trọng này.
Hội nghị cũng tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở, tự do, công bằng, minh bạch, có thể dự đoán, không phân biệt đối xử, và cạnh tranh, thông qua một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hội nghị kêu gọi Myanmar thực hiện đầy đủ và kịp thời Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào ngày 24/4 vừa qua; tái khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao và đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị ủng hộ việc tăng cường hợp tác hàng hải giữa các nước tham gia EAS, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS./.