Ngày 13/10, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP15) theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đã thông qua Tuyên bố Côn Minh, tạo động lực cho một hiệp ước đa dạng sinh thái mới toàn cầu.
Bộ trưởng Sinh thái và môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu cho biết Tuyên bố Côn Minh kêu gọi "hành động phối hợp và khẩn cấp" nhằm biến đổi mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu."
Phát biểu tại hội nghị, ông khẳng định mục đích chính của tuyên bố là "phản ánh thiện chí chính trị của tất cả các bên và gửi thông điệp mạnh mẽ, chứng tỏ cho thế giới thấy chúng ta quyết tâm giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh thái, và hành động mạnh tay hơn trong các vấn đề được thảo luận tại hội nghị."
Hội nghị COP15 đã được tổ chức từ ngày 11/10, sau một năm bị hoãn lại do đại dịch COVID-19. Cuộc họp này sẽ làm cơ sở cho hội nghị trực tiếp vào tháng 4/2022, các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD) sẽ soạn thảo chi tiết một văn kiện mới, trong đó đề ra mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái vào năm 2030, thảo luận kế hoạch bảo vệ đất và đại dương cũng như mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa.
[Khai mạc COP 15 tại Trung Quốc sau một năm bị hoãn do COVID-19]
COP15 diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài động, thực vật, khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sắp diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố Glasgow (Scotland).
Khoảng 1 triệu loài động, thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng do sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của chúng, tình trạng khai thác quá mức, nạn ô nhiễm và sự phát triển của các loài xâm lấn cũng như tình trạng biến đổi khí hậu.
Đến nay, 195 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn CBD trong khi Mỹ nước gây ô nhiễm nhất nhất thế giới, lại không tham gia công ước này. Hội nghị các bên tham gia CBD được tổ chức 2 năm/lần./.