Hội nghị điều quốc tế Việt Nam: Điểm hẹn vàng của ngành điều quốc tế

350 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điều thô, xuất nhập khẩu điều thô đã tham dự Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần 12 ở TP.HCM.
Hội nghị điều quốc tế Việt Nam: Điểm hẹn vàng của ngành điều quốc tế ảnh 1Hiệp hội Điều Việt Nam ký kết biên bản hợp tác cung ứng nguyên liệu với Hiệp hội Điều Campuchia tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Sáng 27/2, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công Thương đã chính thức khai mạc Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị chính diễn ra trong 2 ngày 27-28/2 được xem là “điểm hẹn vàng” của ngành điều toàn cầu khi thu hút 350 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điều thô, xuất nhập khẩu điều thô và điều nhân, chế tạo máy móc thiết bị phục vụ ngành điều.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết Hội nghị Điều quốc tế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, từ đó đến nay đây luôn là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành điều Việt Nam nhằm mục đích quảng bá thương hiệu sản phẩm “Hạt điều của Việt Nam," xúc tiến xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng, xây dựng và củng cố mối quan hệ bền vững, lâu dài giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành điều Việt Nam và thế giới.

Năm 2022, bước vào giai đoạn “bình thường mới" sau đại dịch COVID-19, ngành điều Việt Nam tiếp tục gặp vô vàn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng chung từ thị trường, tiêu dùng quốc tế,… kim ngạch xuất khẩu nhân điều chỉ đạt 3,07 tỷ USD, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm của ngành điều, từ năm 2011-2021.

Theo ông Phạm Văn Công, bước vào năm 2023, mặc dù, thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường xuất khẩu song hành với chú trọng thị trường trong nước sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông-lâm-thủy sản 54 tỷ USD năm 2023 (tăng 780 triệu USD so với năm 2022).

[Tăng cường chế biến tinh: Bước đi cần thiết để nâng giá trị hạt điều]

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Thông tin Vinacas, tính đến tháng cuối của năm 2022 và năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam: Điểm hẹn vàng của ngành điều quốc tế ảnh 2Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, năm 2023 Vinacas duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất" với chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân ở mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.

Tại sự kiện Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 năm 2023, các chuyên gia, doanh nghiệp điều hàng đầu Việt Nam sẽ cùng cộng đồng các nhà xuất khẩu, thương mại điều nguyên liệu, các nhà nhập khẩu, phân phối, chiên rang, đóng gói, bán lẻ hạt điều quốc tế chia sẻ những thông tin, phân tích, đánh giá, nhận định và giải pháp đề xuất, sáng kiến giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới. Vì mục tiêu chung là đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ, đem lại sự ổn định, công bằng và thịnh vượng cho tất cả các doanh nghiệp ngành điều toàn cầu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng năm 2023, ngành điều dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức đã xuất hiện từ năm 2022.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội Điều trong việc tổ chức Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam năm 2023 nhằm kết nối, xúc tiến quảng bá ngành điều Việt Nam đến khách hàng, đối tác thế giới.

Theo ông Vũ Bá Phú, Hiệp hội Điều là một trong những hiệp hội có tính đại diện, kết nối tốt giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến với cơ quan nhà nước trong việc thông tin, định hướng phát triển và phổ biến các chính sách phát triển ngành.

Thời gian qua, ngành điều đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu riêng, hiện diện ngày càng nhiều trên kệ hàng các hệ thống phân phối thế giới.

Tuy nhiên, trong xu hướng nhu cầu, thị hiếu người dùng thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Hiệp hội cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điều một cách bài bản, khẳng định vị thế số 1 của hạt điều Việt Nam.

“Khi các thị trường quan trọng ngày càng ưu tiên các sản phẩm được sản xuất xanh, đề cao việc bảo vệ môi trường, ngành điều cần tiên phong trong thực hành sản xuất, kinh doanh xanh. Cụ thể, tập trung xây dựng mô hình quản trị theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc, giảm mức độ phát thải carbon đến mức thấp nhất. Trong vòng 5 năm tới, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh thì hạt điều Việt Nam khó đi thị trường cao cấp dù sản lượng đứng đầu thế giới,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam: Điểm hẹn vàng của ngành điều quốc tế ảnh 3Ông Michael Waring, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt Quả khô Quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC), chia sẻ thông tin về thị trường điều thế giới tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Michael Waring, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt Quả khô quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC), chia sẻ hạt điều đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tiêu dùng các loại hạt của người tiêu dùng thế giới.

Nguồn cung hạt điều ngày càng nhiều, chỉ sau hạnh nhân và hạt óc chó. Sản lượng điều thế giới năm 2022 đã đạt 5 triệu tấn, 2023 kỳ vọng sản lượng hạt điều đạt hơn 5 triệu tấn. Tác động của dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng, tiêu thụ điều nhân bị gãy đổ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, châu Á vẫn là khu vực tiêu thụ nhiều điều thô để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có đến 1/3 số nền kinh tế toàn cầu sẽ bị co lại, kể cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo ông Michael Waring, các nhà chế biến cần có tập hợp người tiêu dùng ổn định, do đó, cần hợp tác với nhau thúc đẩy mở rộng thị trường. Các quốc gia cần tập trung đến nhóm người tiêu dùng trẻ bởi thế giới đang có 2,4 tỷ người thuộc thế hệ Gen-Z, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ, quyết định mua sắm các sản phẩm cho gia đình.

Điển hình như tại Trung Quốc, 16,5 % số hộ gia đình ở Trung Quốc thuộc thế hệ Gen-Z nhưng chiếm đến 50% khối lượng mua sắm hàng hóa.

Các khu vực khác như Ấn Độ, châu Phi cũng là đích đến tiềm năng để mở rộng chiến dịch khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên từ các loại hạt và trái cây sấy trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục