Hội nghị du lịch văn hóa tâm linh đầu tiên ở Ninh Bình

Với những di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Ninh Bình đã trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách.
Hội nghị du lịch văn hóa tâm linh đầu tiên ở Ninh Bình ảnh 1Tượng Pháp chủ nặng 100 tấn bằng đồng ở chùa Bái Đính. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình là địa phương giàu tiềm năng về du lịch.

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và con người cũng tạo nên ở nơi đây nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính…

Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Phát huy lợi thế là mảnh đất thiêng, từng là cố đô của ba vương triều phong kiến là Đinh, Tiền Lê, Lý gắn liền với những biến chuyển trọng đại trong lịch sử của dân tộc; là nơi hội tụ, giao thoa của Phật giáo và Thiên Chúa giáo, du lịch chuyên về văn hóa, tâm linh đang trở thành thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh Ninh Bình.

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Ninh Bình ba loại địa hình, vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía tây bắc, chuyển tiếp là vùng đồng bằng và vùng ven biển ở phía Đông Nam với hệ động, thực vật phong phú. Hơn nữa, nơi đây có hệ thống sông ngòi chằng chịt đã tạo thành vị thế "phên giậu", địa - chính trị sáng giá trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Đặc biệt, sự hiện hữu của vương triều Đinh Tiên Hoàng (968 - 980), Lê Đại Hành (980 - 1009) và buổi đầu triều Lý Thái Tổ (1009 - 1226) là những minh chứng sống động.

Vị thế địa - văn hóa của tỉnh Ninh Bình đã được khẳng định cách ngày nay hơn 10 thế kỷ. Các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích kiến trúc được phân bố dày đặc trên địa bàn và phân hoá rộng khắp từ vùng đồi núi xuống đến đồng bằng và lan ra tận biển.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, cố đô Hoa Lư, kinh thành nguy nga tráng lệ xưa kia không còn nữa nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành, cầu Đông, cầu Dền, các dấu tích của Thành Đông, Thành Bắc, Thành Dền, Thành Nam... đã tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.

Sau khi dời đô về thành Thăng Long (năm 1010), nhà Lý vẫn kế thừa các thành quả có được từ kinh đô Hoa Lư trước đó. Để tưởng niệm công lao của các bậc tiền nhân đặt nền móng xây dựng nền độc lập tự chủ đầu tiên của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, Vua Lý Thái Tổ đã cho lấy tên một số công trình ở Hoa Lư đặt cho nhiều địa danh ở Thăng Long - Hà Nội mà hiện giờ vẫn còn tồn tại như Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, cống Trẹm, tháp Báo Thiên, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề.

Khu Di tích cố đô Hoa Lư hiện là điểm đến thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Mỗi khi đặt chân đến với mảnh đất Ninh Bình, việc làm đầu tiên của du khách là đến dâng hương "kính cáo" tổ tiên và các vị Hoàng đế tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành và nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ đang được địa phương bảo tồn nguyên trạng.

Thế mạnh văn hóa tâm linh

Ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trong hai ngày 21, 22/11, lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đồng phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đến bạn bè trong nước và quốc tế, đây là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan về công tác quy hoạch, quản lý, công tác bảo tồn, khai thác phát triển du lịch gắn với tâm linh, một loại hình du lịch mà theo đánh giá của UNWTO có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Thế mạnh của du lịch Ninh Bình là nơi đây hội tụ nhiều di sản thiên nhiên độc đáo được kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như: Khu du lịch sinh thái Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc-Bích Động… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An, một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Ninh Bình đang được đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014.

Về Ninh Bình, khách du lịch được đến thăm viếng, tìm hiểu nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Nhất Trụ (tức Một Cột) là tên một ngôi chùa cổ kính tọa lạc tại thôn Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư được xếp hạng di tích cấp quốc gia cùng với đình Yên Thành, đền thờ vua Lê Đại Hành, là di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của kinh đô Hoa Lư xưa.

Tiến sĩ Hà Mạnh Khoa thuộc Viện Sử học cho biết, điều đặc biệt ở ngôi chùa này chính là Thạch kinh (hay còn gọi là cột Kinh đá) do vua Lê Đại Hành cho làm vào năm 995, niên hiệu Ứng Thiên thứ hai để dâng đức Phật. Cột Kinh đá có chiều cao 4,16m gồm 6 bộ phận đá được lắp gá vào nhau bằng các lỗ mộng và ngỗng tròn mà không cần đến bất kỳ chất kết dính nào. Tám mặt của cột được mài nhẵn, trên đó chạm khắc khoảng 2.500 chữ Hán từ Kinh Đà La Ni, Thủ Lăng Nghiêm cùng bài chú ca ngợi sự bền vững của đạo Phật.

Tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Chùa Bái Đính cổ do Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không khai sáng tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Đính cao 187 mét. Người xưa cắt nghĩa, "Bái Đính" có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên, Phật ở trên cao. Năm xưa, khi kinh lý qua đây, Vua Lê Thánh Tông đã tự tay đề bốn chữ: Minh đỉnh danh lam.

Muốn lên chùa, khách du lịch phải bước trên 300 bậc đá. Càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát. Một vùng rừng núi khá yên tĩnh, hội tụ đầy đủ yếu tố địa linh sinh nhân kiệt, theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Nơi đây không chỉ thờ Phật, các vị Sơn Thần, Chúa Thượng Ngàn, mà còn là nơi Lý Công Uẩn, tức Vua Lý Thái Tổ đã từng tu hành trước khi dời đô về Thăng Long.

Được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, Bái Đính tân tự là ngôi chùa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, nằm trong một thung lũng mênh mang hồ và núi đá. Du khách đến đây không chỉ thăm quan, vãn cảnh chùa mà còn được chiêm ngưỡng những kỳ tích của Phật giáo Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm Kỷ lục Ghi-nét Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; Hai chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á (chuông 36 tấn và chuông 27 tấn); Chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam...

Trong số các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình, nhà thờ đá Phát Diệm ở thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn) là một kiệt tác về mặt kiến trúc. Nét độc đáo của công trình này là ở chỗ, mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được xây dựng mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam, thể hiện sự chuyển hoá từ lối kiến trúc thiên về Gothic phương Tây sang truyền thống Á Đông với những mái đầu đao cong vút kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại.

Chính vì chứa đựng những nét đặc sắc không đâu có được, chùa Nhất Trụ cùng với Khu Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu Du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Quần thể Danh thắng Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm là năm địa chỉ thu hút rất đông du khách, nhất là các Phật tử đến dâng hương chiêm bái, tín đồ Công giáo đến cầu ban phúc lành trong những dịp lễ, Tết.

Ông Đinh Thế Thập, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến hết tháng 10/2013 đã có 4.179.000 lượt khách đến các địa điểm thăm quan du lịch trên địa bàn, vượt kế hoạch đề ra và tăng 20,8% so cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục