Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá những năm qua, các tỉnh Tây Bắc Bộ đã tham gia tích cực vào quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả.
Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 22/8, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên khai mạc Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số-Những vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại diện lãnh đạo, doanh nghiệp sáu tỉnh Tây Bắc Bộ, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.

Hội nghị nhằm cập nhật tình hình thế giới, những vấn đề mới đặt ra cho hội nhập của đất nước, nhất là trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với các nước ASEAN, các thị trường lân cận và xa hơn nữa.

Hội nghị giúp các tỉnh Tây Bắc Bộ nắm bắt và vận dụng trong đề xuất xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khái quát về những thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc Bộ nói riêng trong thời kỳ hội nhập, kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định bằng việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu; Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193; việc đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017, Hội nghị WEF ASEAN 2018; là chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai...

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận trọng trách kép vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là dịp để Việt Nam tranh thủ thêm nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của đất nước trong thời gian tới, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn cho các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.

[Thường trực Chính phủ họp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm]

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đánh giá cùng với sự phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, những năm qua, các tỉnh Tây Bắc Bộ đã tham gia tích cực vào quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả.

Dù quá trình hội nhập có thể chậm hơn so với các khu vực khác trong nước do điều kiện có hạn về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhưng các tỉnh Tây Bắc Bộ vẫn đang tiến triển rất tốt trong quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế.

Một số tỉnh đã mở cửa hội nhập đưa công nghệ vào phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Các tỉnh Tây Bắc Bộ đã thiết lập được quan hệ hợp tác với nhiều địa phương và đối tác ở nước ngoài; ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế.

Các địa phương và doanh nghiệp đã thể hiện sự tích cực, chủ động tham gia và tranh thủ cơ hội từ các cam kết kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường.

Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các tỉnh Tây Bắc Bộ để nâng cao hiệu quả quá trình hợp tác quốc tế, cũng như đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển của từng địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nòng cốt để hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe về tình hình thế giới, khu vực và tác động đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên số-vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam đến năm 2030 - những vấn đề đặt ra với các tỉnh Tây Bắc Bộ trong phát triển nhanh và bền vững; triển khai các cam kết kinh tế-thương mại trong ASEAN và với các đối tác-cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp, địa phương.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm, trao đổi giữa các chuyên gia và đại diện các địa phương, doanh nghiệp về những vấn đề cần quan tâm trong hội nhập quốc tế hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục