Tối 14/12 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu làm việc với nội dung chính tập trung thảo luận về hợp tác an ninh quốc phòng, chính sách người di cư và các vấn đề đối ngoại.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh châu Âu chịu áp lực phải đổi mới về an ninh quốc phòng và kinh tế sau một năm đầy biến động xảy ra cả ở trong cũng như ngoài liên minh, đặc biệt là sự kiện nước Anh chính thức thông báo kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình đưa nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Hội nghị thượng đỉnh lần này chứng kiến lễ ra mắt chính thức của Cấu trúc Hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU, đặc biệt là phát triển các hệ thống vũ khí mới. Trước đó ngày 11/12, Hội đồng Đối ngoại EU đã thông qua quyết định thành lập PESCO, một tháng sau khi nhận được thông báo từ các nước có dự định tham gia vào tổ chức này. Đến nay đã có 25 nước thông báo tham gia vào PESCO, một cơ cấu sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước là thành viên PESCO cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng," trong đó dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét các tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực quốc phòng khác, nhất là liên quan đến hoạt động hợp tác giữa EU và NATO.
[Thủ tướng Anh: "Hóa đơn ly hôn" tùy thuộc thỏa thuận thương mại cuối]
Trong ngày đầu làm việc, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ báo cáo trước các nguyên thủ và người đứng đầu các quốc gia EU về tình hình triển khai thỏa thuận Minsk. Lãnh đạo EU nhiều khả năng sẽ nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Nga do liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ có cuộc thảo luận về chính sách nhập cư, xem xét các giải pháp đã triển khai và những kết quả đã đạt được, cũng như các tác động đối với cả trong cũng như ngoài khối.
Vấn đề phân bổ hạn ngạch tái bố trí người nhập cư đang trở thành chủ đề nóng gây tranh cãi trước thềm hội nghị. Chủ tịch Hội đồng châu Âu ông Donald Tusk đánh giá rằng các hạn ngạch này, bị phản đối bởi một số nước, đã trở thành một yếu tố "gây xung đột" và "không hiệu quả" trong việc kiểm soát làn sóng người di cư. Một nguồn tin châu Âu cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẵn sàng "rời bỏ hạn ngạch" để đổi lấy một thỏa thuận về nhập cư được đồng thuận cao hơn và các biện pháp ngăn chặn người di cư đến "lục địa già."
Về phía Ủy ban châu Âu, Ủy viên phụ trách Di cư, Dimitris Avramopoulos công kích đề xuất của ông Donald Tusk về nhập cư là "không chấp nhận được" và "chống lại châu Âu." Theo Ủy viên về di cư của EU, đề xuất của ông Tusk coi nhẹ những nỗ lực được EU thực hiện trong thời gian qua.
Trong ngày làm việc 15/12, lãnh đạo 27 nước EU sẽ họp để đánh giá toàn bộ các tiến triển đã đạt được trong giai đoạn 1 của tiến trình đàm phán về Brexit. Hội đồng châu Âu sẽ quyết định có cho phép mở ra giai đoạn tiếp theo của tiến trình thương lượng với nước Anh hay không trên cơ sở đánh giá các cam kết của London về tôn trọng quyền của các công dân, đảm bảo các lợi ích kinh tế của EU và sự toàn vẹn của thỏa thuận tại Ireland sau khi nước này rút khỏi EU. Các nhà lãnh đạo sẽ xem xét thông qua dự thảo các phương hướng để chuyển sang giai đoạn hai đàm phán.
Cuối cùng, một "Hội nghị thượng đỉnh Eurozone" sẽ đi sâu thảo luận về Liên minh kinh tế và tiền tệ cũng như Liên minh ngân hàng. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo khởi động bàn thảo về cải tổ Eurozone với những ý tưởng táo bạo cùng các ý kiến đắn đo, cân nhắc.
Trước đó, trong bức thư gửi lãnh đạo các quốc gia thành viên trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu bày tỏ mong muốn có một cuộc thảo luận cởi mở về các chủ đề trên và nhấn mạnh để cải thiện tình hình kinh tế thì việc thảo luận về những thách thức phía trước, cũng như các phương tiện để đối phó với khủng hoảng là điều rất cần thiết./.