Hội nghị triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp

Một trong những điểm mới của Luật Giám định tư pháp là quyền yêu cầu giám định mở rộng hơn so với Pháp lệnh giám định tư pháp.
Sáng 20/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp.

Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành 1/1/2013, quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Quyền yêu cầu giám định tư pháp quy định trong Luật mở rộng hơn so với Pháp lệnh giám định tư pháp, tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Giám định tư pháp.

Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Luật và tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp đến các đối tượng liên quan.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá việc triển khai Luật so với kế hoạch còn chậm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần…. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp trong việc triển khai thi hành Luật giữa các Bộ, ngành ở trung ương còn gặp nhiều khó khăn.

Xác định vai trò quan trọng của tuyên truyền, phổ biến Luật trong việc triển khai thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng của mình tổ chức quán triệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp ở từng lĩnh vực giám định tư pháp và Thông tư quy định về quy chuẩn chuyên môn hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp, nhất là Bảng tỷ lệ thương tật dùng cho giám định pháp y; quy định về tiêu chuẩn chuyên môn của Văn phòng giám định tư pháp.

Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định và đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp; thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng hoạt động giám định và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các chuyên đề về: phương hướng và các giải pháp củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, người giám định pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng cấp, phát và bảo đảm kinh phí cho các cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp và các chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.

Các đại biểu cũng đã bàn về chế độ cấp pháp, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng chi trả chi phí giám định tư pháp và vấn đề bảo đảm kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp công lập…/.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục