Phản bác những công bố mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đưa ra về chất lượng nước mắm trên toàn quốc, đại diện Hội nước mắm Phú Quốc cho biết đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng vào cuộc để đánh giá và thông tin một cách chuẩn xác.
Trao đổi với VietnamPlus ngày 19/10, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, Hội đã gửi đơn lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và các ban ngành chức năng ở Trung ương nhằm đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý, cách tiếp cận, phương pháp sử dụng, cách đánh giá kết quả khảo sát của VINASTAS, và cách thông cáo báo chí mà VINASTAS đã thực hiện.
Theo bà Liên, dù hoạt động khảo sát của VINASTAS nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng là rất tốt, nhưng việc nêu và đưa ra kết luận về thạch tín trong nước mắm như kết quả công bố sẽ dẫn đến những hiểu lầm với người tiêu dùng.
Dẫn những quy định hiện nay, bà Liên cho biết, theo TCVN 5107:2003 không có quy định về Asen trong nước mắm mà chỉ đưa ra dư lượng tối đa của chì (Pb) một kim loại nặng trong nước mắm là 1mg/l.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm chỉ có quy định Asen vô cơ trong thực phẩm, chứ không quy định về Arsen tổng, trong trường hợp này áp dụng cho nước chấm là 1mg/l.
Từ những lập luận trên, đại diện Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho rằng, khi làm khảo sát nước mắm toàn quốc, VINASTAS đã không khảo sát dư lượng kim loại nặng là chì (Pb) như theo TCVN mà lại lựa chọn Asen.
"Khi không có các quy định trong tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì VINASTAS căn cứ vào đâu để đánh giá là có 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu Arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế?," bà Liên đặt câu hỏi.
Trước đó, ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã ra thông cáo báo chí về kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Bản thông cáo này đã nêu ra các vấn đề sai phạm phát hiện trong việc công bố ghi nhãn như hàm lượng đạm toàn phần, hàm lượng nitơ axit amin, hàm lượng nitơ amoniac và đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện hàm lượng Asen tổng của các loại nước mắm cao đạm vượt ngưỡng quy định.
Bà Liên cho rằng, việc VINASTAS đưa ra kết quả 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ đạm trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định sẽ khiến dư luận và người tiêu dùng đều hiểu là nước mắm có độ đạm cao đều nhiễm Asen độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, từ chỗ phân tích Asen tổng và Arsen vô cơ, như VINASTAS đã khẳng định không phát hiện Asen vô cơ, VINASTAS đã lái và dẫn người tiêu dùng đi đến kết luận nước mắm 40 độ đạm - nước mắm truyền thống có mức Asen vượt ngưỡng quy định, trong khi không có quy định nào về Asen tổng trong nước mắm.
Năm 2001, nước mắm Phú Quốc được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và tháng 12/2012, sản phẩm này chính thức được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Với sản lượng từ 20 đến 25 triệu lít nước mắm một năm, các nhà thùng ở Phú Quốc đều cho ra nước mắm có hàm lượng nitơ toàn phần từ 25g/l, cao nhất là 43g/l đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
"Với thông tin không chuẩn xác về thạch tín như phân tích ở trên của VINASTAS đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng trong nước và còn có ảnh hưởng đến xuất khẩu nước mắm của Việt Nam ra nước ngoài," lãnh đạo Hội nước mắm Phú Quốc cho hay.
Nói về những công bố của VINASTAS, tiến sỹ Trần Thị Dung, chuyên gia thủy sản lập luận, những thông tin về Arsen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không quy định.
Cụ thể, Bộ Y tế chỉ quy định Arsen vô cơ nhưng ở đây lại khảo sát Asen tổng, rồi kết luận Asen vô cơ không có. Chưa kể kết quả khảo sát còn kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì có hàm lượng Asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng./.