Hội thảo bàn tròn ''70 năm hợp tác Nga-Việt'' tại Liên bang Nga

Các bài tham luận đưa ra cái nhìn thực tế, nêu rõ những ưu điểm, những tồn tại cần khắc phục để thúc đẩy mối quan hệ Nga-Việt, đồng thời đưa ra những sáng kiến để gắn kết hai nước hơn nữa.
Hội thảo bàn tròn ''70 năm hợp tác Nga-Việt'' tại Liên bang Nga ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Ngày 20/1, tại trụ sở Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga-RAN) ở thủ đô Moskva đã diễn ra cuộc hội thảo bàn tròn với chủ đề “70 năm hợp tác Nga-Việt,” nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Nga-Việt và năm chéo hữu nghị Nga-Việt 2019-2020.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông tổ chức đã thu hút sự tham dự của nhiều học giả, nhà Việt Nam học có uy tín của Nga cũng như các chuyên gia Việt Nam.

Tham dự sự kiện còn có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh và Phó Vụ trưởng Vụ châu Á 3, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, ông Gennady Bezdetko.

[Việt Nam-Nga tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư]

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu khai mạc hội thảo, Viện phó Viện Viễn Đông Sergei Uyanaev cho rằng chủ đề của hội thảo lần này cũng chính là chủ đề về mối quan hệ Nga-Việt hiện nay và sự kiện hai nước sắp kỷ niệm 70 năm ngày thiết quan hệ ngoại giao chính là động lực để tổng kết những thành quả, triển vọng cũng như nhiệm vụ trong quan hệ hai nước.

Ông Uyanaev bày tỏ Việt Nam là người bạn lâu đời, tin cậy của Liên bang Nga không chỉ trong khu vực mà cả trên toàn thế giới.

Về phần mình, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nêu bật tầm quan trọng của sự kiện Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 70 năm trước, xem đây như một sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó.

Hội thảo được chia làm 4 phần đề cập đến đầy đủ các khía cạnh trong quan hệ Nga-Việt, từ tiến trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự, chính trị và thông tin; quan hệ thương mại, kinh tế và di cư; cho tới hợp tác về khoa học, kỹ thuật và văn hóa.

18 bài tham luận tại hội thảo nhìn chung đều đưa ra cái nhìn thực tế, đi thẳng vào sự việc, nêu rõ những ưu điểm, những tồn tại cần khắc phục để thúc đẩy mối quan hệ Nga-Việt, đồng thời cũng đưa ra những sáng kiến để qua đó gắn kết hai nước hơn nữa trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục