Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 26/11, tại Trung tâm Thương mại và đầu tư tỉnh Ontario, Hội Canada-ASEAN Initiatives (Sáng kiến Canada-ASEAN) thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học York đã tổ chức hội thảo với tiêu đề “Canada và ASEAN: Đa dạng hóa thương mại tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Nội dung trọng tâm của hội thảo xoay quanh nhu cầu của Canada, đặc biệt là của tỉnh Ontario, trong việc đa dạng hóa thương mại với các nước Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.
Các thành viên tham dự hội thảo cũng chia sẻ mối quan tâm đối với việc đảm bảo dòng chảy của thương mại tự do trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
[Kết nối Canada-ASEAN: Việt Nam nêu một số đề xuất hợp tác]
Tại hội thảo, ông Kevin Sullivan - quản lý cấp cao thuộc Cơ quan Phát triển xuất khẩu Canada (EDC) đã trình bày về những cơ hội trong lĩnh vực thương mại và đầu tư mà các doanh nghiệp Canada có thể khai phá tại thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Kevin Sullivan nhấn mạnh với dân số 673 triệu người (tương đương 9% dân số thế giới) và quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 3.110 tỷ USD, Đông Nam Á đóng vai trò chủ chốt đối với sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á - với nhu cầu ước tính khoảng 200-300 tỷ USD/năm - đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Canada - vốn đang ở vị thế tốt để có thể nắm bắt các cơ hội này.
Ngoài cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin truyền thông, hàng không vũ trụ, dầu khí, thực phẩm chế biến… cũng được cho là những “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp Canada có thể khai thác trong quan hệ hợp tác với khu vực Đông Nam Á.
ASEAN - thị trường đông dân thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) - hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 6 của Canada. Trong năm 2020, giá trị trao đổi hàng hóa giữa Canada và ASEAN đạt 26,7 tỷ CAD (hơn 20,8 tỷ USD), trong khi giá trị thương mại dịch vụ ở mức 5,8 tỷ CAD.
Giới chuyên gia dự báo các con số này có khả năng tiếp tục tăng, trong bối cảnh Canada đã có cơ quan đại diện ngoại giao thường trực tại toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Ông Jonathan Fried - cựu Đại sứ Canada tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nhật Bản, đang đứng đầu một ban thư ký đặc biệt chịu trách nhiệm thiết kế chiến lược đầu tiên của Ottawa bao trùm toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) - chia sẻ: “Có thể gọi đây là thế kỷ của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khi thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển “sức nặng” kinh tế và chiến lược sang khu vực này."
Những tháng gần đây, ông Fried đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tỉnh, giới học thuật và các chuyên gia về Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương để xây dựng một kế hoạch toàn diện, tập trung vào việc đa dạng hóa thương mại với các nước Đông Nam Á, như Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Jonathan Fried khẳng định những diễn biến tại khu vực này sẽ xác định tốc độ cũng như thành công của sức phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng chính sách quốc tế, bày tỏ vui mừng khi Canada và ASEAN mới đây đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), và khuyến nghị Canada cần xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đi đôi với việc tăng cường cam kết với ASEAN.
Trong một bài phát biểu tháng trước, Thủ tướng Justin Trudeau đã khẳng định "làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Canada với các nền kinh tế ASEAN và đa dạng hóa thương mại trên khắp châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi của chúng tôi" và nhắc lại khái niệm về một thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi."
Canada đã có các điều khoản thương mại ưu đãi với Singapore và Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hai thành viên ASEAN khác là Brunei và Malaysia đã ký kết CPTPP nhưng chưa phê chuẩn thỏa thuận.
Ngay cả khi chưa có một thỏa thuận thương mại song phương, xuất khẩu nông sản của Canada sang ASEAN - bao gồm lúa mỳ, đậu nành, thịt lợn, dầu hạt cải, khoai tây, hải sản và thức ăn chăn nuôi - đã tăng theo cấp số nhân trong hai thập kỷ qua.
Trên khắp các nước ASEAN, dân số ngày càng lớn, tốc độ đô thị hóa được đẩy mạnh và sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu đã thúc đẩy nhu cầu về các mặt hàng nông sản giá trị cao.
Tuy nhiên, các ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Canada đang gặp bất lợi về giá cả ở khu vực này, cũng như khó khăn về khoảng cách địa lý.
Hiện nay, một số đối thủ cạnh tranh với Canada trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã có thỏa thuận với ASEAN để cắt giảm thuế quan, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, hội thảo đã thu hút sự tham gia của giới chức Canada, đại diện ngoại giao nhiều nước ASEAN, các học giả và doanh nghiệp không chỉ ở Canada, mà còn ở Mỹ, Argentina và Việt Nam./.