Hội thảo khoa học làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Hội thảo đề cập đến giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam đồng thời khẳng định văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước.
Hội thảo khoa học làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam ảnh 1Hội thảo góp phần tuyên truyền ý nghĩa, giá trị, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra ngày 27/2 tại Hà Nội và được phát trực tuyến tới 63 điểm cầu ở trụ sở tỉnh, thành ủy hoặc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội thảo đề cập đến hai nội dung chính là: "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam"; "Văn hoá, con người Việt Nam-Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới."

Đoàn Chủ tọa Hội thảo gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông.

Theo kế hoạch số 371/KH-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký, hội thảo góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. 

Thông qua hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử đồng thời nêu rõ những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và chủ trương, đường lối phát triển văn hóa của Đảng.

Hội thảo khoa học làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam ảnh 2Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng chủ trì hội thảo. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Hội thảo cũng sẽ nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu chấn hưng văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

[Chương trình “Đề cương văn hóa Việt Nam-Những dấu ấn lịch sử"]

Với 60 tham luận, hội thảo sẽ đề cập đến hai nội dung gồm: (1) Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam và (2) Dân tộc, đại chúng, khoa học - Động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ tổ chức hội thảo.

Trong cuộc họp triển khai kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu: "Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các nội dung, trọng tâm là các tham luận của các diễn giả, nhà khoa học, các nhà quản lý… Đặc biệt phải chú trọng chất lượng các tham luận để sản phẩm sau hội thảo có giá trị phục vụ nghiên cứu, mang tính khả thi."

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc. Đề cương văn hóa năm 1943 ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược này.

Hội thảo khoa học làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam ảnh 3Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương (trái) khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa.

“Bối cảnh năm 1943 đã đặt ra những vấn đề cấp bách để bản đề cương văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra đời, giúp cho những người làm văn hóa, đặc biệt là những nhà quản lý về văn hóa được định hướng những nguyên tắc để phát triển văn hóa theo hướng đề cao tính dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trải qua 80 năm, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến đời sống xã hội đã trải qua rất nhiều thay đổi, thăng trầm nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị,” Viện trưởng cho biết.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ dự lễ khai mạc triển lãm ảnh “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023)-Khởi nguồn và động lực phát triển.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục