Hội thảo về những cơ hội cho Việt Nam tại Paris

Hội thảo “Những cơ hội nào cho Việt Nam hôm nay?” với sự tham gia của các nhà kinh tế, doanh nghiệp Pháp đã diễn ra tại Paris.
Ngày 24/11, tại Paris, Phòng thương mại và Công nghiệp Paris (VCCP) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức Hội thảo “Những cơ hội nào cho Việt Nam hôm nay?” với sự tham gia của đông đảo các nhà kinh tế, các doanh nghiệp và một số đại diện các doanh nghiệp Pháp có các dự án đang triển khai tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác Pháp-Việt. Tại đây các đại biểu đã đề cặp đến tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua cũng như triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước.

Hội thảo còn là cơ hội để các chuyên gia kinh tế Việt Nam và Pháp tập trung trao đổi kinh nghiệm đã thu được trên các lĩnh vực hợp tác hiệu quả tại thị trường có gần 90 triệu người tiêu dùng này.

Đa số các tham luận trình bày tại hội thảo đều đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á. Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm và hiện nay đã đạt được “sự tăng trưởng trong ổn định.”

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã và đang có các dự án hoạt động tại Việt Nam đã đưa ra những kinh nghiệm thực tế được đúc kết trong tiến trình triển khai các dự án giúp các doanh nghiệp Pháp khác thấu hiểu sâu sắc hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam như công ty xuất khẩu thương mại Poittemill hay tập đoàn Apple Tree…

Ông Pierre-Jean Malgouyres, Chủ tịch VCCP, Tổng giám đốc Tập đoàn Archetype Group, có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã nêu bật những điểm mạnh và điểm yếu tại thị trường Việt Nam. Theo ông Việt Nam luôn ổn định về chính trị và là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, có lực lượng lao động trẻ, “dồi dào, chất lượng và rất cạnh tranh.” Việt Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên (dầu thô) và có một tiềm năng nông nghiệp bền vững như đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê…Tuy nhiên Việt Nam đang phải đối mặt với sự mất cân đối về kinh tế, lạm phát cao (15,7% năm 2011), giá cả tăng và nhiều lần mất giá đồng tiền.

Theo ông, chính vì vậy mà các doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người Việt Nam để lựa chọn đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, biêt ngoại ngữ có khả năng tiếp cận với thị trường thế giới.

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Bích Vân, phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các nước có sự đổi mới về các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp và tiếp cận tín dụng.

Bà cũng nêu bật những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài lần đầu triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam như chính sách miễn giảm thuế đất, thuế nhập khẩu, nhập khẩu thiết bị, cũng như thời hạn đăng ký các dự án được rút ngắn,… giúp cho các doanh nghiệp có được những hiểu biết sâu sắc hơn về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn được nghe bản thuyết trình của thám tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam, Nguyễn Cảnh Cường, về những “cái được” của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu-Việt Nam trong tương lai và những “cái được” của sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được coi như những yếu tố để tái cơ cấu nền kinh tế và là “công cụ” để hội nhập vào nền kinh tế thế giới./.

Lê Hà-Trung Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục