Hội thảo Việt-Pháp về tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư

Hội thảo tại Pháp thu hút khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam và Pháp bao gồm cả các đoàn công tác xúc tiến thương mại của ba tỉnh Hưng Yên, Nghệ An và Quảng Bình.
Hội thảo Việt-Pháp về tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư ảnh 1Ông Philippe Yvergniaux, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Business France trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Quảng bá và xây dựng thương hiệu Việt, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Pháp, mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là sản phẩm nông nghiệp chế biến của Việt Nam, kêu gọi hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp Pháp... là mục đích chính của cuộc hội thảo Việt-Pháp diễn ra ngày 20/10 tại trụ sở Tòa Thị chính thành phố Paris.

Cuộc hội thảo “Cơ hội tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU),” do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển thương mại Pháp (Business France), chính quyền thành phố Paris và một số đối tác khác tổ chức, là một hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.

Hội thảo thu hút khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam và Pháp bao gồm cả các đoàn công tác xúc tiến thương mại của ba tỉnh Hưng Yên, Nghệ An và Quảng Bình.

Bên cạnh việc quảng bá thương hiệu quốc gia cho nhiều lĩnh vực và ngành nghề Việt Nam có thế mạnh, hội thảo còn là dịp để giới thiệu về Hội chợ Quốc tế thực phẩm Việt Nam diễn ra trong năm 2017 tại Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2017) nhằm kêu gọi các doanh nghiệp Pháp và châu Âu tham dự hội chợ có quy mô lớn này của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển mạnh mẽ. Với tổng số vốn hơn 4 tỷ euro, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ hai của châu Âu tại Việt Nam và đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2015, trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam đã đã tăng mạnh với tổng giá trị trao đổi là 4,07 tỷ euro. Trong EU, Pháp là nước xuất khẩu đứng thứ ba tới thị trường Việt Nam, sau Đức và Italy.

Về phần mình, Việt Nam đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về giá trị hàng xuất khẩu sang Pháp.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp được ký kết năm 2013 đã được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động hiệu quả thời gian qua mà đỉnh cao là chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng Chín vừa qua của Tổng thống Pháp François Hollande. Chuyến thăm đã tạo ra xung lực mới thúc đẩy sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Trong tham luận trình bày tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), Bộ Công Thương, đã giới thiệu môi trường đầu tư của Việt Nam, được đánh giá là ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông cho biết tính đến tháng 9/2016, Việt Nam đứng thứ 90 trong số 189 nền kinh tế toàn cầu qua cuộc khảo sát chỉ số thuận lợi kinh doanh toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành. Chỉ số này đã tăng 3 bậc so với năm 2015 và liên tục tăng trong thời gian gần đây, cho thấy nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông cũng cho biết trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt khoảng 2,63 tỷ euro, trong đó có những sản phẩm nổi bật như thiết bị điện tử và linh kiện, sản phẩm may mặc, giày dép, đồ gỗ, càphê và thủy sản.

Trong khi đó, Pháp xuất khẩu sang Việt Nam đạt 1,13 tỷ euro, bao gồm các mặt hàng chính như dược phẩm, hóa chất, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa cùng mỹ phẩm.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả Pháp cũng đã trình bày tham luận về kinh nghiệm xây dựng các quan hệ đối tác đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ thành công cao của các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam.

Ông Philippe Yvergniaux, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Business France cho biết khoảng 2.000 doanh nghiệp Pháp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam và 300 doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam.

Ông đặc biệt nhấn mạnh môi trường đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam như sự ổn định chính trị và xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, môi trường pháp lý được cải thiện, dân số trẻ và năng động.

Ông cũng cho biết trong số các doanh nghiệp xuất khẩu và làm ăn thành công tại Việt Nam không chỉ các tập đoàn lớn như Airbus, Peugeot, tập đoàn quản lý sân bay ADP mà còn có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cho thấy, tại Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội, dù có quy mô doanh nghiệp khác nhau, kinh doanh và sản xuất trong những lĩnh vực rất khác nhau như hạ tầng giao thông vận tải, chế biến, nông lâm ngư nghiệp...

Trong khi đó, ông Ygor Gibelind, đại diện Bộ Nông nghiệp Pháp, cho biết chỉ riêng trong lĩnh vực hàng nông sản, trong năm 2015, Pháp xuất sang Việt Nam trị giá hàng nông sản lên đến 133 triệu euro.

Để có được thành công đó, các doanh nghiệp Pháp đã dựa vào các công cụ là các thỏa thuận trong lĩnh vực nông nghiệp được ký kết ở cấp Nhà nước, các chương trình hợp tác song phương giữa các cơ quan và địa phương, các biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, nhằm tạo ra luồng thông tin rõ ràng, cụ thể, giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng quan hệ đối tác.

Ông cũng nhấn mạnh còn rất nhiều tiềm năng hợp tác cho các doanh nghiệp hai nước, tuy nhiên, các doanh nghiệp hai nước cần phải có thêm thông tin về nhau nhằm tạo dựng niềm tin.

Trong phần tiếp theo của hội thảo, các đại biểu đã tham dự hai phiên thảo luận về các chủ đề "Thực phẩm chế biến và sản phẩm nông nghiệp" và "Hàng tiêu dùng, sản phẩm cao su, và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục