Hội tụ sức mạnh Ấn Độ-Nhật Bản vì sự phát triển của châu Á

Không giống như Mỹ vốn thích cách tiếp cận thiên về quân sự hơn, cả New Delhi và Tokyo đều coi hợp tác hải quân là một phần của sự pha trộn lớn hơn.
Hội tụ sức mạnh Ấn Độ-Nhật Bản vì sự phát triển của châu Á ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh tại cuộc gặp ở Tokyo ngày 2/9/2019. (Nguồn: newspoint.tv)

Trang mạng Times of India mới đây đăng bài viết "Hội tụ sức mạnh Ấn Độ-Nhật Bản hỗ trợ trực tiếp cho sự trỗi dậy của châu Á" của tác giả Rudroneel Ghosh.

Nội dung bài viết như sau:

Trong chuyến thăm quan trọng tới Nhật Bản tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có các cuộc gặp thành công với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Takeshi Iwaya.

Nhân dịp này, hai nước nhấn mạnh mong muốn đưa hợp tác chiến lược và quốc phòng lên một tầm cao mới.

Bên cạnh đó, cả hai bên khẳng định ý định tổ chức đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao đầu tiên trước hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nhật Bản thường niên trong năm nay để thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

[Phép thử cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ]

Trên thực tế, một tuyên bố chung từ chuyến thăm cho thấy hai bên đã thảo luận về các diễn biến mới ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang thể hiện sự hung hăng.

Tàu khảo sát của Trung Quốc mang tên Hải Dương 8 được hộ tống bởi các tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển và đôi khi bởi cả máy bay quân sự đã xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thậm chí đã cố gắng cản trở các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp ngoài khơi Việt Nam.

Ấn Độ là một bên liên quan tới một trong những lô dầu khí nêu trên và do đó chiến thuật hung hăng của Trung Quốc là mối lo ngại đối với New Delhi.

Trong khi đó, Nhật Bản có vấn đề riêng với Trung Quốc trong tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông.

Thêm vào đó, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản có sự đồng bộ với Ấn Độ và cả hai nước đều là thành viên của nhóm bộ tứ cùng với Mỹ và Australia.

Trên thực tế, các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ và Nhật Bản có sự tương đồng.

Không giống như Mỹ vốn thích cách tiếp cận thiên về quân sự hơn, cả New Delhi và Tokyo đều coi hợp tác hải quân là một phần của sự pha trộn lớn hơn.

Hai nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Biển Đông cũng như bất kỳ cơ chế nào trong tương lai được xây dựng với sự tôn trọng đối với khu vực.

Ấn Độ và Nhật Bản đều thừa nhận rằng các quốc gia ASEAN không nên bị buộc phải lựa chọn giữa các bên. Theo nghĩa đó, họ xem nhóm bộ tứ chỉ là một yếu tố của kiến trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển.

Như một vấn đề thực tế, khi trục quyền lực toàn cầu chuyển từ phương Tây sang phương Đông, khu vực này của thế giới cần các quy tắc và cấu trúc quản trị mới.

Tranh chấp Biển Đông là ví dụ điển hình cho điều này. Trung Quốc rõ ràng có một tầm nhìn nhất định đối với khu vực, với việc Bắc Kinh tự coi mình là một trung tâm quyền lực tự nhiên.

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng lợi ích của Trung Quốc không "phủ bóng" lên lợi ích của các quốc gia khác, các quốc gia như Nhật Bản và Ấn Độ cần phải tập hợp các quốc gia cùng chí hướng và tranh luận về những lợi ích của một trật tự mở dựa trên quy tắc.

Và ở thời điểm này, dường như New Delhi và Tokyo được sinh ra là để dành cho nhau. Nền dân chủ lớn nhất thế giới và quốc gia phát triển công nghệ tiên tiến nhất châu Á có thể là tiếng nói của một trật tự tự do ở châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục