Hồi ức cứu người Việt

Chuyện chưa kể về cuộc giải cứu người Việt Nam

Giữa một sa mạc mênh mông đầy cát trắng bạt ngàn lều tị nạn, hàng ngàn người Việt bỗng thấy mình như đang đứng rất gần Tổ quốc.
Hơn một tuần sau khi từ chảo lửa Trung Đông trở về, chỉ huy trưởng của chiến dịch giải cứu người Việt Nam ra khỏi Libya, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng vẫn chưa tin nổi vào những việc cả đoàn đã làm được. Ngồi trong căn phòng nhỏ lặng phắc nép mình bên phố Tôn Thất Đảm (Hà Nội), ông bồi hồi kể lại những câu chuyện “bếp núc” xung quanh chiến dịch giải cứu lịch sử này.

Bài 1: Thấy Tổ quốc từ lá cờ đỏ giữa sa mạc cát

Giữa một sa mạc mênh mông đầy cát trắng bạt ngàn lều tị nạn, anh em trong đoàn bỗng thấy mình như đang đứng rất gần Tổ Quốc. Phía xa xa, ngọn cờ đỏ sao vàng được hơn 1.000 anh em lao động cắm trên nóc lều đang phần phật ngậm gió. Ký ức ấy có lẽ suốt cả cuộc đời vị chỉ huy trưởng Đoàn Xuân Hưng sẽ không thể nào quên.

Khăn gói mỳ tôm lên đường vào đất dữ

Chiều thứ Năm ngày 24/2, Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài sau chuyến công tác tại Bỉ vẫn chưa biết mình sắp được đặt vào một hoàn cảnh mang tính lịch sử. Bởi chỉ sau đó hai ngày, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi được thành lập với vai trò trưởng đoàn do Thứ trưởng Hưng nắm giữ.

Nhớ lại thời khắc ấy, ông kể, chiều 25/2, Chính phủ họp khẩn cấp về tình hình người Việt Nam tại Libya, thấy có liên quan đến lĩnh vực của mình, ông cũng “lăn xả” vào.

“Trong cuộc họp, Thủ tướng nói, bên ngoài phần việc chính vẫn phải do Bộ Ngoại Giao lo và yêu cầu một thứ trưởng phải tham gia vào Ban chỉ đạo,” ông nhớ lại.

Thế là, vị Thứ trưởng nhận lệnh lên đường ngay sau đó không lâu với nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa hơn một vạn người Việt Nam còn mắc kẹt tại Libya an toàn trở về nước. Thế nhưng kế hoạch cụ thể như thế nào, đến tận lúc sắp lên đường ông vẫn chưa dám chắc.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là phải tìm cho ra một địa điểm thuận lợi để đặt đại bản doanh của cả một chiến dịch lớn. Liên lạc với đại sứ quán tại Libya đã hoàn toàn bị cắt đứt, vì vậy mọi tư vấn từ chính trong lòng chảo lửa không còn.

“Trước tình hình ấy, ban đầu chúng tôi định đặt đại bản doanh tại Ai Cập hoặc Algeria, nơi có đại sứ quán của ta. Nhưng thực tế, Ai Cập và Algeria lại cách quá xa thủ đô Tripoli, nơi tôi đoán có đến 4 – 5.000 lao động của chúng ta còn kẹt. Tôi nghĩ, tại sao lại không đặt cơ sở sát biên giới Lybia, ngay trong lãnh thổ Tunisia để đón đầu dòng người chạy loạn,” Thứ trưởng Hưng kể.

Điều đáng nói hơn, Tunisia lại là quốc gia không có đại sứ quán Việt Nam. Toàn bộ quá trình tác chiến về sau sẽ đều như “vừa xây nhà, vừa thiết kế.”

Quyết định được đưa ra buổi sáng, thì buổi chiều, toàn bộ thành viên đoàn công tác đã họp và thống nhất phương án lên đường.

“Xông vào sa mạc xa lạ, trong khi hầu như không có một chút thông tin nào trong tay nên mọi người trong đoàn đã phải chuẩn bị thật kỹ. Anh em bảo nhau mang theo lương khô, mỳ tôm, rau xanh và cả nồi cơm để dự phòng,” ông cười bảo.

Từ quyết định ấy, đoàn giải cứu “cấp cao” lỉnh kỉnh đủ thứ đồ bình dân nhất lên chuyên cơ đáp thẳng vào lòng sa mạc xa lạ vùng biên Libya – Tunisia bắt đầu cho chuyến dịch giải cứu lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Cờ đỏ sao vàng giữa sa mạc cát

Điểm dừng đầu tiên của đoàn công tác là Ai Cập, đất nước vẫn đang bất ổn với những chính biến liên miên. Người Việt Nam chạy loạn từ Libya sang đây thiếu thốn đủ thứ bởi không có tiền địa phương để mua sắm. Chứng kiến cảnh ấy, cả đoàn chẳng thể cầm lòng.

Thế nhưng, điều may mắn nhất với gần 300 lao động có mặt tại Ai Cập là đất nước này còn có đại sứ quán. Hai vợ chồng đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Phạm Sĩ Tam ngày ngày túc trực ở sân bay lo cho họ từng miếng cơm ngụm nước.

“Không mấy người biết được, chỉ cách đấy mấy hôm, thân mẫu của anh Tam vừa qua đời. Tình cảnh ấy ai cũng muốn về quê ngay để chịu tang mẹ. Thế nhưng hai đồng chí vẫn nén nỗi đau vào trong để làm nhiệm vụ,” ông Hưng kể lại.

Thế mới biết, trong những lúc khó khăn nhất, người Việt Nam vẫn đặt Tổ quốc lên hàng đầu. Xúc động hơn nữa khi cả đoàn còn được chứng kiến tình cảm quốc tế cao đẹp của nhân dân thế giới dành cho người Việt Nam

Những sinh viên người Ai Cập trong hoàn cảnh khốn khó vẫn góp tiền mua từng chiếc bánh mỳ mang ra tận sân bay cho người lao động Việt Nam. Tất cả đều đánh giá người Việt Nam rất tốt.

“Thậm chí, tôi biết những câu chuyện về việc anh em được cứu mạng nhờ chính quốc tịch của mình,” Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

Trong hành trình chạy xuyên qua lòng đất nước Libya, người lao động gặp rất nhiều trạm kiểm soát. Tại đây, tất cả những người muốn ra khỏi Libya thường bị “cướp bóc” nhưng chỉ cần anh em nói mình là người Việt Nam thì sẽ được cho đi trót lọt. Thậm chí, một số lao động khi mang theo ảnh Bác Hồ cũng được cho qua an toàn. Đây cũng chính là lý do rất lớn khiến hơn một vạn lao động người Việt hoàn toàn bình an khi đi xuyên qua chiến sự.

Rưng rưng hơn cả là lúc cả đoàn cập đất Tunisia, đi dọc biên giới sát Libya, thì bỗng thấy bốn người râu tóc xồm xoàm, lếch thếch xin vào Tunisia. Linh tính mách bảo, Thứ trưởng Hưng cất tiếng gọi: “Người Việt Nam phải không?" Cả bốn người vội quay lại, mừng mừng tủi tủi kể lại hành trình tưởng không bao giờ trở về đất mẹ của mình.

Đây là nhóm người bị kẹt sâu trong sân bay tại thủ đô Tripoli. Sau nhiều lần đổi vé nhưng họ vẫn không thể bắt máy bay thoát khỏi miền đất dữ. Nghe tin đoàn giải cứu tập trung ở Tunisia họ vội vàng khăn gói vượt bụi cát lên đường hướng về biên giới. Thế nhưng, suốt mấy ngày trời, cả bốn người bị kẹt lại khu vực này vì không đủ giấy tờ thông hành. Tiền bạc mang theo dần cạn kiệt, lại thêm tâm lý ngày một hoang mang, họ tưởng đã chẳng còn cơ hội trở về. Và cũng chính lúc túng quẫn nhất ấy, họ đã được cứu sống bởi cái linh tính mà Thứ trưởng Hưng bảo đến giờ ông vẫn không hiểu sao lại đến đúng lúc như vậy.

Điều đáng nhớ nhất với Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng những ngày sống giữa sa mạc chính là hình ảnh cờ đỏ sao vàng phần phật giữa mù mịt bụi cát. Khi đi thăm trại tị nạn nằm ở khu vực biên giới Res Jedire - nằm giữa Tunisia và Libya, cả đoàn rưng rưng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trên nóc trại của anh em lao động Việt.

“Lúc ấy, tôi thấy vô cùng xúc động vì lá quốc kỳ, trong hoàn cảnh gian khó nhất lại một lần nữa trở thành biểu tượng quy tụ lòng người. Anh em, miễn là người Việt Nam, dù ở đâu, nhìn thấy lá cờ ấy cũng sẽ tụ lại với nhau trong một khối thống nhất,” Thứ trưởng Hưng bồi hồi.

Giữa một sa mạc mênh mông đầy cát trắng bạt ngàn lều tị nạn, anh em trong đoàn bỗng thấy mình như đang đứng rất gần Tổ Quốc. Phía xa xa, ngọn cờ đỏ sao vàng được hơn 1.000 anh em lao động cắm trên nóc lều đang phần phật ngậm gió. Ký ức ấy có lẽ suốt cả cuộc đời vị chỉ huy trưởng Đoàn Xuân Hưng sẽ không thể nào quên./.

Bài 2: Chuyện “bếp núc” sau chiến dịch giải cứu lịch sử


Sơn Bách - Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục