Hơn 50% công ty Đức kinh doanh ở nước ngoài gặp khó về chuỗi cung ứng

Cuộc khảo sát của DIHK đối với 3.200 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động ở nước ngoài cho thấy những rắc rối của chuỗi cung ứng trong thương mại thế giới đã trở nên tồi tệ hơn.
Hơn 50% công ty Đức kinh doanh ở nước ngoài gặp khó về chuỗi cung ứng ảnh 1Hàng hóa tại cảng container ở Hamburg (Đức). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Một cuộc khảo sát do Phòng Công nghiệp và Thương mại DIHK của Đức công bố ngày 23/11 cho thấy hơn 50% số công ty Đức kinh doanh ở nước ngoài được khảo sát đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng hoặc logistics.

Điều này đã buộc các công ty phải đa dạng hóa nhà cung cấp, rút ngắn lộ trình giao hàng, cũng như chuyển địa điểm sản xuất của mình.

Cuộc khảo sát của DIHK đối với 3.200 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động ở nước ngoài cho thấy những rắc rối của chuỗi cung ứng trong thương mại thế giới đã trở nên tồi tệ hơn. Hơn một nửa số công ty thành viên phản ánh các vấn đề trong chuỗi cung ứng hoặc logistics của mình, tăng 14% so với hồi mùa Xuân.

Trước tình hình này, 54% công ty được khảo sát đang có kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng hoặc đã làm như vậy. Trong số các công ty đó, 72% đang tìm kiếm hoặc bổ sung các nhà cung cấp mới, 32% có kế hoạch rút ngắn hoặc thay đổi lộ trình giao hàng và 15% quyết tâm chuyển địa điểm sản xuất của mình.

Các tiêu chí quan trọng khi tìm kiếm địa điểm sản xuất mới là tình trạng sẵn có công nhân lành nghề (54%), vị trí địa lý của địa điểm sản xuất (43%) và các điều kiện kinh tế chung như thuế quan hoặc các biện pháp trừng phạt (43%).

[Kinh tế Đức tăng trưởng thấp hơn dự đoán trong quý III/2021]

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty Đức kinh doanh ở Anh với tổng cộng 77% trong số các công ty này cho biết phải điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình. Trong số các công ty đó, 93% cho biết đang bị buộc phải thay đổi lộ trình giao hàng và 39% chia sẻ có kế hoạch chuyển địa điểm sản xuất, chủ yếu là do các hàng rào thương mại mới sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên gia thương mại DIHK Volker Treier lưu ý nhu cầu toàn cầu tăng cao hiện lại đang song hành với thiếu hụt năng lực sản xuất và các vấn đề trục trặc trong khâu vận tải. Các lý do gây ra tình trạng gián đoạn rất đa dạng, từ việc thiếu hụt các container và khả năng vận chuyển hàng hóa trên tàu cho đến việc phải ngừng sản xuất do các biện pháp chống dịch.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng có thể bắt nguồn từ việc các chính phủ khác đưa ra những chính sách thương mại bất lợi đối với doanh nghiệp Đức, chẳng hạn như các quy định buộc các công ty Đức chỉ sản xuất một số mặt hàng trung gian tại địa phương.

Nền kinh tế Đức đã phát triển vượt bậc nhờ xu hướng toàn cầu hóa trong thập niên qua. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 đã làm nổi bật điểm yếu của nền kinh tế Đức. 

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và các hàng hóa công nghiệp khác đang đe dọa đến đà phục hồi kinh tế của Đức, buộc các nhà điều hành phải suy nghĩ lại về các dòng cung ứng và nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp châu Á và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục