Hơn 650 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết

Hà Nội và TP.HCM đã dành hơn 650 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, với tiêu chí ưu tiên “Người Việt dùng hàng Việt".
ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, thành viên Tổ điều hành Thị trường nhấn mạnh: "Về cung ứng hàng hóa phục vụ Tết, doanh nghiệp được vay vốn bao nhiêu, trong khoảng thời gian nào, được mua loại hàng gì đều phải lên phương án giá cả và phải cam kết bán theo đúng giá trong phương án đã trình."

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ bên lề cuộc họp về Thị trường nội địa vừa diễn ra,  ông Quyền cũng cho biết cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác sẽ vào cuộc để kiểm soát.

Hiện nay, giá một số mặt hàng như gạo, đường, sữa… đang tăng giá, vậy theo ông việc tăng giá này có tác động đến giá cả của các mặt hàng vào dịp cuối năm không?

Trong những năm gần đây, thông thường giá cả sẽ tăng vào dịp cuối năm. Điều này là dễ hiểu thôi, vì dịp cuối năm là thời điểm chúng ta chuẩn bị hàng hoá cho Tết, lễ hội…, nhu cầu của người dân tăng cao. Nếu cầu tăng mà cung không tăng kịp thì giá sẽ biến động.

Thứ hai là giá của các yếu tố đầu vào, gồm giá nguyên liệu, giá hàng hoá nhập khẩu tăng cao đã làm cho giá hàng hoá tăng theo.

Tôi phải nhấn mạnh rằng, thông thường thì một số hàng hóa trong dịp cuối năm có xu thế tăng, nhưng không phải tất cả các mặt hàng đều tăng giá.

Như gạo chẳng hạn, chỉ xuất hiện những tin đồn thất thiệt ở Thành phố Hồ Chí Minh  trong 1, 2 ngày. Sau đấy thì bằng sự vào cuộc của các cơ quan chuyên ngành, sự vào cuộc của thông tin tuyên truyền thì mọi thứ trở lại cân bằng.

Theo dõi của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, tính đến thời điểm này (chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm) thì chỉ tiêu CPI tăng dưới 7% là trong tầm kiểm soát.

Để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết, Bộ Công thương đã có những kế hoạch gì để bình ổn giá cả, thưa ông?

Năm nay cũng như mọi năm, Bộ Công thương đều chỉ đạo các Sở Công Thương chuẩn bị lực lượng hàng phục vụ tết, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Việc chuẩn bị phải bắt đầu từ 4-5 tháng trước tuỳ vào nhu cầu, đặc điểm hàng hóa để có sự chuẩn bị khác nhau, ở Hà Nội khác Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, Hà Nội đã bố trí 250 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa Tết, đối với Thành phố Hồ Chí Minh là trên 400 tỷ đồng… Tương tự, trọng điểm là các thành phố lớn, các khu đô thị, khu công nghiệp đều có quỹ hàng hóa phục vụ cho Tết.

Khác với mọi năm, quỹ dự trữ hàng hoá Tết năm nay được lồng ghép với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Công thương đã có chỉ thị từ đầu tháng 10 về việc chuẩn bị hàng Tết và đáp ứng nhu cầu của bà con. Việc chuẩn bị hàng hoá có lồng ghép với các chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước, lồng ghép các chương trình bán hàng Việt Nam, khuyến mại và chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để bà con ưu tiên dùng hàng Việt.

Mọi thứ đã sẵn sàng, hy vọng năm mới, mọi người đón Tết giản dị, đầm ấm và giá cả không tăng đột biến.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã được ứng vốn để dự trữ hàng Tết, Bộ Công Thương làm thế nào để kiểm soát việc sử dụng những đồng vốn này?

Trong các chỉ thị của liên bộ về cung ứng hàng hóa phục vụ Tết nêu rõ, doanh nghiệp được vay vốn bao nhiêu, trong khoảng thời gian nào, được mua loại hàng gì đều phải lên phương án giá cả và phải cam kết bán theo đúng giá trong phương án đã trình. Cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác sẽ vào cuộc để kiểm soát.

Từ trước đến nay, các nơi bán, các điểm bán và các doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện việc bình ổn giá thì phần lớn là thực hiện nghiêm túc, trước hết là vì uy tín của chính họ. Bởi vậy chưa phát hiện doanh nghiệp nào lợi dụng cơ chế nhà nước để tăng giá và tôi tin rằng năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục