Hong Kong được và mất những gì từ Luật An ninh Quốc gia?

Luật An ninh mới áp dụng cho Hong Kong của Bắc Kinh dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 30/6, một ngày trước lễ kỷ niệm Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc.
Hong Kong được và mất những gì từ Luật An ninh Quốc gia? ảnh 1Người dân Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng scmp.com đưa tin 23 năm sau khi được trao trả lại cho Trung Quốc, Hong Kong đang phải đối mặt với một sự chuyển đổi quan trọng khác gây ảnh hưởng sâu rộng tới tương lai của thành phố này.

Luật An ninh mới áp dụng cho Hong Kong của Bắc Kinh dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 30/6, một ngày trước lễ kỷ niệm Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc.

Năm nay ở Hong Kong sẽ không có không khí lễ hội. Tuy nhiên, cảm giác bất an và lo ngại từng xuất hiện trong tâm trí người dân Hong Kong hồi năm 1997 sẽ quay trở lại.

Cách mà Luật An ninh mới áp dụng cho Hong Kong được thông qua khiến người ta nhớ lại lý do vì sao lại cần tới cơ chế "Một nước, hai chế độ."

Luật phức tạp này, vốn có khả năng sẽ hạn chế các quyền tự do của Hong Kong, được chính quyền Đại lục thông qua một cách quá vội vã và hầu như không có sự tham vấn nào với Hong Kong.

Mới chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc), gây xôn xao dư luận khi trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền thông qua luật mới đối với Hong Kong.

[Chính quyền Hong Kong cam kết hợp tác đầy đủ về luật an ninh quốc gia]

Kể từ khi được trao lại cho Trung Quốc, Hong Kong được yêu cầu tự thông qua một luật như vậy, tuy nhiên thành phố này vẫn chưa thực hiện.

Dự thảo Luật An ninh mới áp dụng cho Hong Kong của Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và câu kết với các thế lực bên ngoài, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần đầu tiên hồi cuối tuần trước, và dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp thứ hai kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 28/6. Không có sự tham vấn công khai nào với Hong Kong như được mong đợi. Toàn bộ dự thảo luật này được giữ kín cho tới khi nó được thông qua. Đây là điều bất thường, kể cả xét theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc Đại lục.

Hong Kong đang bị từ chối một cơ hội mà thành phố này đang rất cần để cân nhắc các từ ngữ được sử dụng để viết ra luật và đưa ra các ý kiến phản hồi.

Người dân Hong Kong không biết 4 tội danh mới sẽ được quy định như thế nào. Điều khó tin là ngay cả Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói rằng bà vẫn chưa được nhìn thấy dự luật này.
Đây là một cách thức nguy hiểm.

Lịch sử đã cho thấy "chìa khóa" để cai trị Hong Kong và đảm bảo sự ổn định của thành phố này là quản lý bằng sự tham vấn và chấp thuận. Luật mới được giới thiệu là bước đi cần thiết sau nhiều tháng xảy ra bất ổn dân sự và biểu tình bạo lực tại Hong Kong.

Tuy nhiên, đây là thất bại của chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi không tham vấn một cách thích hợp về dự luật dẫn độ gây tranh cãi, kể từ khi dự luật này bị rút lại. Việc cho phép các nghi phạm bị chuyển tới xét xử tại Đại lục đã làm dấy lên làn sóng chống đối chính quyền tại Hong Kong.

Các quan chức đã tìm cách giải thích luật này với các đại diện của nhiều lĩnh vực. Chúng ta sẽ biết thêm nhiều thông tin trong những ngày tới.

Hong Kong được và mất những gì từ Luật An ninh Quốc gia? ảnh 2Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga. (Nguồn: scmp.com)

Tuy nhiên, nếu không được nhìn thấy đầy đủ bản dự thảo luật sẽ không thể hiểu luật này được áp dụng như thế nào và nó sẽ gây ra ảnh hưởng gì tới đời sống của người dân tại Hong Kong.

Một bản tóm tắt dự luật, được truyền hình nhà nước công bố ngày 20/6, đã làm dấy lên thêm nhiều câu hỏi hơn là đưa ra được câu trả lời.

Bản tóm tắt này tiết lộ rằng Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ đứng đầu một ủy ban an ninh quốc gia ở Hong Kong, do Bắc Kinh giám sát, để quản lý việc thực thi luật an ninh mới.

Một cố vấn của chính phủ trung ương sẽ tham gia ủy ban này. Bắc Kinh cũng sẽ thành lập một văn phòng ủy viên an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Việc phân chia quyền lực và vai trò chính xác của những cơ quan mới này vẫn chưa rõ. Rất khó để biết làm thế nào các cơ quan này không gây ảnh hưởng tới các quyền tự trị của Hong Kong.

Tuy nhiên, vấn đề gây nhiều lo ngại nhất khi Luật An ninh mới được thực hiện liên quan tới hệ thống tòa án. Có vẻ như Bắc Kinh không hoàn toàn tin tưởng các thẩm phán của Hong Kong.

Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong được trao quyền lựa chọn các cựu thẩm phán hoặc các thẩm phán đương chức để xét xử các vụ án liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. Điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng tính độc lập của ngành tư pháp.

Các thẩm phán của Hong Kong do Trưởng Đặc khu bổ nhiệm, tuy nhiên là dựa trên các đề xuất của một ủy ban độc lập. Cơ quan tư pháp - chứ không phải chính phủ - sẽ quyết định thẩm phán nào xét xử các vụ án nhất định.

Cho phép Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong tự chỉ định các thẩm phán cũng giống như cho phép một đội bóng đá quốc gia lựa chọn tất cả các trọng tài cho World Cup. Các vụ xét xử liên quan tới an ninh quốc gia sẽ bị chính quyền truy tố. Do đó, Trưởng Đặc khu sẽ đóng vai trò quan trọng trong các vụ kiện này.

Cho dù các thẩm phán có công bằng đi chăng nữa, họ sẽ vẫn có quan điểm thiên vị. Hứa hẹn của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga về việc sẽ tham vấn chủ tọa tòa án tối cao chưa đủ sức thuyết phục. Lãnh đạo Hong Kong cần hành động dựa trên sự tư vấn của Ủy ban Khuyến nghị Tư pháp.

Một trong những lo ngại lớn nhất đối với người dân Hong Kong là liệu luật này có cho phép một số vụ kiện được chuyển cho các nhà cầm quyền ở Đại lục xét xử hay không. Người Hong Kong được bảo đảm rằng sẽ chỉ có một số lượng rất ít các trường hợp ngoại lệ như vậy.

Luật Cơ bản, trên thực tế đóng vai trò như hiến pháp của Hong Kong, giữ cho hệ thống tòa án của Hong Kong và Đại lục tách biệt hoàn toàn với nhau.

Điều này nhằm giúp người dân Hong Kong cảm thấy an toàn khi biết rằng nếu phải ra tòa, họ sẽ được xét xử theo hệ thống thông luật của thành phố và được bảo đảm công bằng.

Việc cho phép một số ít các vụ kiện được xét xử ở Đại lục sẽ làm thay đổi quan điểm này. Nếu như vậy, cần làm rõ trong hoàn cảnh nào thì vụ việc sẽ được chuyển tới Đại lục để xét xử.

Liệu các tòa án ở Hong Kong có vai trò nào không trong việc quyết định một vụ kiện sẽ được xử ở Đại lục? Người ta lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp để đưa những nghi phạm quan trọng nhất định tới Đại lục để xét xử, nơi những bảo đảm của Hong Kong không tồn tại.

Bắc Kinh hứa hẹn rằng luật mới sẽ bảo vệ các quyền tự do của Hong Kong và tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền. Tuy nhiên, những điều này chỉ được đảm bảo nếu các tòa án của Hong Kong được tự do áp dụng những tiêu chuẩn này và quyết định của họ được tôn trọng.

Việc một số quyết định có thể bị Bắc Kinh đảo ngược và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có quyền giải thích Luật An ninh mới áp dụng với Hong Kong cho thấy các tòa án Hong Kong chỉ có khả năng hạn chế trong việc bảo vệ các quyền tự do. Một điều có thể vẫn được duy trì đó là hệ thống bồi thẩm đoàn của Hong Kong. Không nghi ngờ gì rằng các vụ xét xử liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia sẽ có án phạt tù nặng.

Do đó, phần lớn các vụ án sẽ được xét xử trước một bồi thẩm đoàn. Hệ thống bồi thẩm đoàn từ lâu đã đóng vai trò làm cân bằng và đối trọng với quyền lực của các nhà cầm quyền theo hệ thống xét xử của thông luật.

Các bồi thẩm đoàn đã nhiều lần tuyên bố bị cáo vô tội trong những vụ xét xử mà họ cảm thấy bị gây sức ép hoặc có động cơ chính trị - cho dù bằng chứng và thẩm phán có khuynh hướng cho rằng bị cáo có tội.

Sẽ rất thú vị khi chứng kiến cách các bồi thẩm viên của Hong Kong phản ứng trước tính nhạy cảm của các vụ xét xử liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia.

Người Hong Kong đang căng thẳng chờ đợi Luật An ninh Quốc gia mới. Việc luật này được thông qua được mô tả giống như Hong Kong được trao trả lại lần thứ hai.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa hoàn toàn rõ chính xác thì lần này phải trao trả lại điều gì. Hy vọng rằng đó sẽ không phải là mức độ tự trị cao, nền pháp trị và các quyền tự do quý giá mà Hong Kong đang được hưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục