Ngày 26/12, tại thành phố Hạ Long, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, những bài học kinh nghiệm sau 3 năm Quảng Ninh hợp nhất 4 cơ quan báo chí vào Trung tâm truyền thông tỉnh (viết tắt QMG).
Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cùng các đại biểu của một số cơ quan báo chí, Đài Phát thanh Truyền hình trong cả nước tham dự trực tuyến.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, phòng Biên tập Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Báo Hạ Long của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh.
[Hội nghị Báo chí toàn quốc: Tìm hướng chuyển mình trong thời đại mới]
Sau hợp nhất QMG đã đi vào, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Kết quả điều tra dư luận xã hội của tỉnh về hoạt động của QMG được người dân đánh giá mức độ “rất hài lòng” và “hài lòng” về chất lượng, hiệu quả hoạt động đạt tỷ lệ trên 92%.
Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh đã giải quyết có hiệu quả các vấn đề sau sáp nhập, hợp nhất như tổ chức bộ máy, con người, hoạt động chuyên môn, kinh tế truyền thông… và có những bước phát triển quan trọng, vượt bậc, đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành, quản lý, quản trị áp dụng tối đa công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết việc sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh là yêu cầu cấp thiết nhằm hình thành một tổ hợp truyền thông thống nhất, tập trung sức mạnh, nguồn lực, các loại hình truyền thông, tối ưu hóa mô hình tổ chức và sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thông.
Ngoài ra, từ sự thay đổi về lượng tạo sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Trung tâm, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện đại.
Việc sắp xếp, đổi mới này cũng là sự phát triển tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi tự thân của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Ninh, góp phần khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính, khả năng cạnh tranh còn hạn chế...đồng thời phù hợp với xu hướng hội tụ truyền thông, số hóa truyền thông, xu hướng tích hợp báo chí-công nghệ thông tin-viễn thông...
Bà Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước (đơn vị thực hiện hợp nhất các cơ quan báo chí từ cuối năm 2019) chia sẻ trong thời điểm mới hoạt động của đơn vị cũng gặp phải những khó khăn về tư tưởng của đội ngũ cán bộ, phóng viên, người làm báo. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành đã ổn định tư tưởng, đơn vị đã giảm được 11 đầu mối và viên chức quản lý.
Theo bà Nhâm để tạo tư tưởng, hợp nhất hiệu quả thì cần chú trọng đầu tư đồng đều cho cả 4 loại hình báo chí (báo hình, phát thanh, điện tử, báo in); xây dựng bộ máy đoàn kết, làm tốt công tác tư tưởng cho người làm báo, tạo cơ chế tài chính thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn QMG sẽ có đánh giá sâu hơn nữa hiệu quả, những vấn đề chưa làm được, tính phản biện thông tin báo chí của Trung tâm truyền thông đã thực hiện được; vấn đề tự chủ kinh phí, kinh tế báo chí… để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu việc nhân rộng mô hình ra các địa phương trong cả nước.
Thảo luận tại hội thảo, các diễn giả nhận định việc hợp nhất, tích hợp các cơ quan báo chí, hướng tới xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ là phù hợp với xu hướng. Các đại biểu thống nhất cao với việc hợp nhất các cơ quan báo chí, tạo sức mạnh lớn, tổng hợp, toàn diện trong tình hình mới; đồng thời khẳng định báo chí hiện đại không tách rời với các nền tảng số, mạng xã hội. Theo đó, coi mạng xã hội là cánh tay nối dài báo chí đến với công chúng, tuy nhiên thông tin cần đầy đủ, có sự phân tích, bình luận sâu hơn và xem công chúng là yếu tố quan trọng trong hoạt động báo chí.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cần nắm bắt được độc giả, hiểu được nhu cầu của họ, sẽ sản xuất các ấn phẩm báo chí phù hợp với đối tượng. Đồng thời, cần cân nhắc việc đặt tên phù hợp và làm nổi bật được vai trò của báo chí trong mô hình hợp nhất; đưa báo chí lên nhiều nền tảng để tiếp cận được với công chúng nhiều hơn.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng Quảng Ninh đã và đang là địa phương tiên phong, dũng cảm, quyết tâm đi đầu cả nước về nhiều mặt, trong đó có việc thành lập mô hình Trung tâm Truyền thông trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông cấp tỉnh. Mô hình này cho thấy nhiều hiệu quả tích cực trong thực tế, tạo cơ sở, kinh nghiệm, bài học cho việc vận động, thành lập và phát triển mô hình này trong cả nước.
Ông nhấn mạnh đến một số vấn đề như công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động của mô hình Trung tâm; việc nhìn nhận, lắng nghe và đổi mới để phục vụ nhu cầu của công chúng; vấn đề đảm bảo hài hòa giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước giữa công tác chuyên môn báo chí, truyền thông với vấn đề kinh tế báo chí và việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực…
Để mô hình hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông cấp tỉnh đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ được khoa học công nghệ trong thời đại mới; vấn đề hoàn thiện và thống nhất về thể chế, chính sách từ Trung ương tới cấp tỉnh để mở đường, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển của mô hình.
Để làm được điều này, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm phối hợp tổ chức đánh giá mô hình, rút kinh nghiệm, đề xuất các thể chế, chính sách cụ thể để công nhận, nhân rộng và phát triển mô hình; Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cần quan tâm ủng hộ để Trung tâm phát triển toàn diện trên nhiều phương diện./.