Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân và dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; cho rằng việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.
Đặc biệt, nhiệm vụ thể chế hóa nội dung về công tác cứu nạn, cứu hộ và xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đến nay còn hết sức hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội tham gia.
Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhất trí với việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ với 1 chương gồm 7 điều. Đây là nội dung mới so với Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành.
Thực tế cho thấy hoạt động phòng cháy, chữa cháy luôn gắn liền với các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này có bổ sung thêm nội dung về cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ), thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp.
Nhiều vụ cháy đã xảy ra tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, đến nền kinh tế... của đất nước.
Dẫn vụ cháy tại nhà dân ở ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết, nhiều tài sản bị thiệt hại, đại biểu đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với yêu cầu công tác thực tiễn.
Nhấn mạnh quan điểm "phòng là chính" để không xảy ra hoặc hạn chế xảy ra, bởi nếu để xảy ra cháy hậu quả sẽ khôn lường, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để ban hành được tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở.
Cùng quan điểm với đại biểu Lê Kim Toàn về chú trọng công tác phòng cháy, cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 4, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nhấn mạnh cần quan tâm ưu tiên đặc biệt chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học. Theo đại biểu, đây là các chính sách đúng đắn, phù hợp và vô cùng cần thiết.
Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định theo hướng các trường có thể thiết kế đưa vào chương trình học các nội dung về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để học sinh có thêm kiến thức áp dụng trong thực tiễn.
Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang thiếu nhiều kỹ năng mềm so với các nước khác như: Kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý các tình huống.
Cũng cho ý kiến về Điều 4, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) cho rằng nội dung này mới quy định việc đảm bảo về nguồn ngân sách, về cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện khác đảm bảo cho lực lượng chuyên trách thực hiện phòng cháy, chữa cháy mà chưa quy định việc bố trí kinh phí, điều kiện khác để phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho người dân, nhất là phổ biến kiến thức này trong học sinh, sinh viên; cũng như chưa có chính sách để huy động các tầng lớp nhân dân, các nguồn lực trong xã hội tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung này vào trong Điều 4.
Quản lý chặt chẽ thiết bị bay không người lái
Thảo luận về về dự án Luật Phòng không Nhân dân, các đại biểu phát biểu nhấn mạnh Luật ra đời sẽ cụ thể hóa đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng.
Các đại biểu khẳng định vai trò thiết yếu của lực lượng phòng không nhân dân trong việc phòng ngừa và xử lý hiệu quả các tình huống quốc phòng-an ninh trên không.
Trong bối cảnh khu vực phòng thủ tại các tỉnh, thành phố cần được củng cố và phát triển trước những thách thức mới, việc ban hành luật này sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó và ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian.
Mặt khác, theo các đại biểu, việc ban hành Luật Phòng không Nhân dân cũng sẽ giúp khắc phục những bất cập trong thi hành pháp luật hiện hành, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và các lĩnh vực liên quan.
Đồng thời, luật sẽ đảm bảo hiệu quả và thống nhất trong quản lý và điều hành công tác phòng không nhân dân, góp phần xây dựng một khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cho ý kiến về các quy định cụ thể của dự thảo Luật, liên quan đến việc chuyển nội dung quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ từ Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam sang Luật Phòng không Nhân dân, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn (Quảng Trị) cho rằng hiện tại các quy định trong Luật Hàng không dân dụng về quản lý tàu bay không người lái còn thiếu chế tài xử lý cụ thể, chỉ mang tính nguyên tắc.
Luật Phòng không nhân dân: Sẽ kiểm soát chặt phương tiện bay không người lái
Luật Phòng không nhân dân sẽ được ban hành sẽ góp phần quản lý chặt các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.
Cụ thể, các điều khoản hiện tại chỉ giao Bộ Quốc phòng quy định chi tiết mà không có quy định pháp lý rõ ràng.
Cùng với đó là việc Bộ Quốc phòng đang chủ trì quản lý và bảo vệ vùng trời quốc gia, giám sát hoạt động bay dân dụng, cấp phép bay, quản lý tàu bay quân sự và tàu bay không người lái.
Việc chuyển nội dung này sang Luật Phòng không Nhân dân sẽ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, đảm bảo quản lý chặt chẽ và thống nhất hơn.
Góp ý về dự án Luật Phòng không nhân dân, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng-an ninh trên không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quốc phòng-an ninh, về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của công ước hàng không dân dụng quốc tế, quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định của các luật liên quan để bổ sung, chỉnh lý đảm bảo chi tiết, cụ thể không chồng chéo, trùng lặp tăng tính khả thi trong thực tế./.