Họp Quốc hội: Thu ngân sách chưa đạt được một số mục tiêu đề ra

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, dù kết quả thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.
Họp Quốc hội: Thu ngân sách chưa đạt được một số mục tiêu đề ra ảnh 1Kỷ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại phiên họp Quốc hội diễn ra chiều 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dù kết quả thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.

Đơn cử, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra. Ngoài ra, nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017, trong khi khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu nội địa cho thấy thu ngân sách nhà nước còn thiếu vững chắc.

[Thủ tướng Chính phủ: Thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh hơn nhiều]

Còn hiện tượng trục lợi chính sách

Nói thêm về vấn đề này, theo đại diện cơ quan thẩm tra, thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán thì thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các khoản thu từ khu vực kinh tế không đạt dự toán là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017.

"Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán cho các năm tiếp theo," Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nói.

Trong khi đó, chi Ngân sách nhà nước đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.

Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, đáng chú ý là tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước còn cao.

Đại diện cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, chưa thực hiện được theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều.

Đáng chú ý, một số chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội còn chi trùng lặp về đối tượng, một số chế độ, chính sách đã ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn để thực hiện, còn hiện tượng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn. Công tác đánh giá việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù chậm được tiến hành theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự. Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định.

"Việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa có chuyển biến mạnh. Số lượng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do các bộ, cơ quan trung ương quản lý chưa giảm so với các năm trước, một số quỹ trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói thêm.

Khó khăn để hoàn thành mục tiêu Quốc hội

Trong báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn.

Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu cũng như rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư, thông qua đó có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.

Người đứng đầu Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà và 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Viettel vào Ngân sách Trung ương cũng như việc Chính phủ xây dựng dự toán thu nội địa là khá tích cực, song đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ xây dựng dự toán thu căn cứ trên ước thực hiện năm 2018 vẫn còn cao hơn số địa phương xây dựng nên cần thận trọng rà soát lại đồng thời lưu ý đến các địa phương nhiều năm thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

Liên quan đến thu từ dầu thô, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn.

"Một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể, thực chất, rõ ràng để giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của PVN cho ngân sách nhà nước," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói.

Đại diện cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Ngược lại, trường hợp tăng thu Ngân sách nhà nước thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục