Hợp tác châu Á-TBD đảm bảo an ninh năng lượng

Các nước châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm tăng khả năng tự chủ năng lượng khi giá dầu và lương thực leo thang.
Các nước xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải thúc đẩy hợp tác trong khu vực nhằm tăng khả năng tự chủ năng lượng trong bối cảnh giá dầu và giá lương thực leo thang đang đe dọa tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) theo đúng lộ trình đặt ra vào năm 2015.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) diễn ra ngày 25/5 ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, đại diện 60 chính phủ trong khu vực đã nhất trí rằng cải thiện kết nối mạng năng lượng cũng như tăng cường các liên kết thể chế giữa các nước thừa và thiếu năng lượng trong khu vực phải là ưu tiên cao nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Các quốc đảo Thái Bình Dương phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu mỏ đã thỏa thuận khuôn khổ an ninh năng lượng khu vực, trong đó tập trung đa dạng hóa nguồn nhiên liệu (bao gồm cả năng lượng hóa thạch và năng lượng tái sinh); phối hợp nhập khẩu chung với khối lượng lớn; giám sát giá và các tiêu chuẩn về nhiên liệu.

Các quốc đảo này cũng phối hợp với UNESCAP thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng từ các nước châu Á để tận dụng các công nghệ ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu năng lượng trong khu vực được kêu gọi ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo ổn định nguồn cung cấp cho các nước nhập khẩu thông qua đa dạng các đường ống xuất khẩu dầu.

Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành UNESCAP, tiến sỹ Noeleen Heyzer, khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện còn hơn 1 tỷ người chưa được sử dụng điện và 1,7 tỷ người phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, có hại cho sức khỏe con người và làm suy yếu các dịch vụ xã hội. Do đó, an ninh năng lượng của khu vực này cần được ưu tiên phát triển.

Các khuôn khổ hợp tác năng lượng tiểu khu vực như các tiểu khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á có thể là nền tảng cho hợp tác năng lượng toàn khu vực nhằm hài hòa lợi ích của các nước xuất và nhập khẩu năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư chung để cải thiện các tuyến vận chuyển năng lượng, cũng như phát triển, thương mại hóa và chuyển giao các công nghệ năng lượng hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục