Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng hơn 40 tỷ USD/năm và cán cân thương mại tương đối cân bằng, tăng trưởng đều đặn.
Ngoài ra, hai bên đang đẩy mạnh hợp tác đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn.
Nhiều tín hiệu tích cực
Bộ Công Thương cho biết 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nhóm hàng xuất khẩu chính gồm dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm từ sắt thép; hóa chất; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; dây điện và dây cáp điện; kim loại thường khác và sản phẩm; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; càphê; than đá; dầu thô…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu đạt 16 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhóm hàng nhập khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; sắt thép các loại; linh kiện, phụ tùng ôtô; sản phẩm từ chất dẻo; phế liệu sắt thép; chất dẻo nguyên liệu; vải các loại; sản phẩm hóa chất; hóa chất; kim loại thường khác; sản phẩm từ sắt thép…
[Mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam]
Theo Bộ Công Thương, ước 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 35,9 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Bộ Công Thương, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản còn có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại.
Ông Tạ Đức Minh - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay mới đây, một "bữa trưa đặc biệt" tại nhà ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản bởi món cơm rang được sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 của Việt Nam.
Đây là thành quả sau một thời gian dài Công ty Nikkokutrust - một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp suất ăn tại các trường học, cơ quan công sở ở Nhật - đã thành công khi đưa hạt gạo ST25 vào bếp ăn của Nội các Nhật Bản để sử dụng chế biến các món ăn cung cấp cho cán bộ của cơ quan này.
Trước đó, thành công từ câu chuyện quả vải khi tiếp cận thị trường thông qua cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã dùng đặc sản Việt Nam trở thành "món quà" làm đầu câu chuyện. Hạt gạo cũng vào thị trường Nhật Bản bằng sự dung dị, gần gũi như thế.
Chia sẻ về kế hoạch đưa các sản phẩm nông sản thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh chia sẻ, Thương vụ đang phối hợp với các đơn vị của nước bạn để xây dựng một kế hoạch lớn, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Bởi vậy, sẽ có dự án 110 đặc sản đến từ 47 tỉnh của Nhật Bản và 63 tỉnh, thành của Việt Nam, mỗi sản phẩm của một tỉnh sẽ được lựa chọn để giới thiệu nhằm đưa sản phẩm vùng miền của các địa phương hai nước đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Sasaki Nobuhiko - Chủ tịch JETRO Nhật Bản nhấn mạnh, JETRO có hai văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là hai trong số những văn phòng bận rộn nhất trên thế giới của JETRO, tiếp đón nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến xin tư vấn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo kết quả mới nhất của cuộc khảo sát các công ty Nhật Bản do JETRO thực hiện hàng năm (khảo sát từ tháng 8-9/2021) nhắm vào các công ty Nhật Bản ở mỗi quốc gia, tỷ lệ các công ty trả lời có kế hoạch “mở rộng” kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới là 55%, cao nhất trong số các nước ASEAN.
Cùng đó, có tới 67% điểm đến xuất khẩu của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam là đến Nhật Bản và đối với các công ty Nhật Bản, Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong tương lai, thách thức đặt ra là phải chuyển hướng sản xuất sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời duy trì thế mạnh là sản xuất sản phẩm đa năng. Việt Nam là điểm đến tin cậy nhất trong ASEAN của doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển sản xuất.
Hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam chỉ thu mua được 37% nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất ở Việt Nam, còn lại phải nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc… để xuất khẩu sang các nước khác. Do đó, việc doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vận dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để đầu tư nguồn lực phục vụ chuyển đổi sản xuất là rất quan trọng.
Kỳ vọng lớn
Mới đây, Công ty Onaga (Nhật Bản) vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, hàng không vũ trụ, ôtô… tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip).
Nhà máy dự kiến sản xuất đợt 1 vào năm 2023 được kỳ vọng sẽ kích hoạt chuỗi doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Cùng với việc đầu tư vào Hanssip, Công ty Onaga cũng đã ký hợp đồng, thỏa thuận hợp tác tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa Onaga - Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đầu tư Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản (IDS Co.,Ltd) với nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ông Onaga - Chủ tịch công ty Onaga khẳng định thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tỷ USD linh kiện ôtô, xe máy, máy móc các loại. Với sự hợp tác “win-win” 2 bên cùng có lợi, công ty sẽ truyền bí quyết kinh nghiệm, kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Sharp cũng đánh giá cao và coi Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh. Tập đoàn này hy vọng có thể tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam qua định hướng phát triển nhất định và tiếp tục theo đuổi mục tiêu đó trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare mong muốn hợp tác sâu sắc hơn với doanh nghiệp Nhật Bản về nguồn nguyên liệu dinh dưỡng chất lượng cao từ Nhật Bản; đồng thời cùng Nutricare xúc tiến đưa các sản phẩm dinh dưỡng sang thị trường Đông Nam Á, Nam Á và Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã và đang hoàn tất thủ tục tham gia 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn Diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong giai đoạn tới, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trên nhiều phương diện, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có những biến động sâu sắc.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ tập trung tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, chế biến sâu về nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp nền tảng. Đây là những lĩnh vực có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam có chủ trương tiếp tục củng cố phát triển thương mại truyền thống thông qua chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi; trong khi Nhật Bản có ưu thế rất tốt để tập trung khai thác hạ tầng thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Vì vậy, Việt Nam cần hợp tác với Nhật Bản để kiểm soát các hoạt động thương mại lành mạnh, công bằng, chống trốn thuế, chống hàng giả.
Ngoài ra, Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 26 sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước. Do đó,đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng phát triển lĩnh vực điện sinh khối, điện khí.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay Bộ Công Thương sẽ luôn hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư Nhật Bản với chất lượng cao hơn, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh./.