Hợp tác xã du lịch... voi ở Đắk Lắk làm ăn hiệu quả

Sản phẩm “du lịch trên lưng voi” ra đời đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với huyện Lắk, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Hợp tác xã du lịch... voi là cái tên thân mật được bà con xã viên đặt cho Hợp tác xã du lịch Buôn Jun nằm ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Hợp tác xã này do bà con xã viên là người dân tộc bản địa M’nông góp vốn bằng... voi để kinh doanh du lịch và đang hoạt động rất hiệu quả.

Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Bùi Văn Đức, đây là hợp tác xã có nhiều voi nhà và lấy voi làm phương tiện kinh doanh du lịch nhiều nhất và duy nhất hiện nay ở Việt Nam.

Hợp tác xã thành lập cách đây hơn năm năm, với số vốn ban đầu 550 triệu đồng và hơn 20 con voi nhà của xã viên. Nếu tính với giá bình quân như hiện nay, mỗi con voi nhà từ 200-250 triệu đồng/con, tổng giá trị đàn voi nhà của hợp tác xã gần năm tỷ đồng.

Ban đầu cũng có nhiều hộ gia đình hồ nghi việc đưa voi vào làm ăn hợp tác xã, sợ rằng đàn voi thành tài sản “cha chung không ai khóc,” thế nhưng qua thực tế kinh doanh, voi vẫn là tài sản riêng của từng hộ xã viên, voi tham gia như một phương tiện sản xuất.

Sản phẩm “du lịch trên lưng voi” ra đời đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Buôn Jun, đến với huyện Lắk, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết mỗi tháng, đơn vị đón, phục vụ từ 1.000-1.500 lượt khách du lịch, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài. Điều khá thú vị là đoàn khách nào đến cũng đặt tour “cưỡi voi” đi tham quan các danh lam thắng cảnh của huyện Lắk như cưỡi voi đi dọc hồ Lắk; thăm thú buôn làng đồng bào dân tộc M’nông bản buôn Jun, buôn Liêng; thác ba tầng, Biệt điện Bảo Đại; rừng đặc dụng Nam Ka.

Có lúc gặp đoàn khách đông, hợp tác xã lại huy động cả “đoàn quân” voi nhà đi phục vụ. Cứ một tour du lịch cưỡi voi, với thời gian từ 1-1,5 tiếng đồng hồ, chủ voi thu được 200.000-250.000 đồng và bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho chủ voi mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng; còn đối với hợp tác xã thì thu ít hơn chỉ chiếm khoảng 25-30% so với chủ voi, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết thêm.

Anh Y Pa Ri, xã viên của hợp tác xã cho biết nhờ đưa voi vào làm ăn với hợp tác xã nên mới có nguồn thu cao và ổn định.

Do làm ăn có hiệu quả, nên nhiều hộ gia đình đã bắt đầu đầu tư vốn mua thêm voi để đưa vào hợp tác xã kinh doanh du lịch, anh Y Pa Ri cho biết.

Ngoài sản phẩm du lịch cưỡi voi, Hợp tác xã Buôn Jun còn có các sản phẩm du lịch khác như diễn tấu cồng chiêng, lưu trú trong các căn nhà dài của đồng bào dân tộc M’nông bản địa, đi thuyền độc mộc trên hồ Lắk, thăm làng nghề truyền thống./.

Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục