Hợp tác xây dựng Cần Thơ thành đô thị trung tâm của ĐBSCL

Cần Thơ mong muốn tăng cường hợp tác chuyển giao và phát triển công nghệ từ Liên minh châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố như thông tin và truyền thông, công nghiệp, môi trường.
Hợp tác xây dựng Cần Thơ thành đô thị trung tâm của ĐBSCL ảnh 1Quang cảnh buổi thăm và làm việc của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 22/3, tại thành phố Cần Thơ, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) do Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti làm trưởng phái đoàn và đại sứ các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường mong muốn Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các đại sứ thành viên đoàn hỗ trợ thành phố Cần Thơ một số hoạt động như: kết nối thành phố Cần Thơ triển khai các nội dung đã ký kết với các địa phương trong thời gian tới; hỗ trợ quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư, hình ảnh thành phố Cần Thơ đến các hiệp hội, nhà đầu tư tại các quốc gia thuộc EU.

Ông Trần Việt Trường cũng bày tỏ mong muốn sự hỗ trợ cung cấp thông tin về các nhà nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa, các ưu đãi thuế quan, nhu cầu thị trường, phong tục tập quán, văn hóa kinh doanh và về các sự kiện hội chợ, triển lãm để thành phố Cần Thơ chuyển tải thông tin đến các doanh nghiệp và tổ chức đoàn doanh nghiệp thành phố sang khảo sát thị trường, tham quan, tham gia gian hàng để giới thiệu hàng hóa đến với người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu các quốc gia thuộc EU.

Song song đó, EU giới thiệu, tổ chức các chuyến sang thăm các nước thuộc EU và mời các đối tác, nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư của thành phố Cần Thơ vào các dịp khi thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, sự kiện lễ hội văn hóa mang tính chất quốc tế.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiểu biết thêm về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tiềm năng đầu tư của mỗi nước để tăng khả năng hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

[Cần Thơ sẽ thay thế chủ đầu tư dự án đầu tư công không đủ năng lực]

Mặt khác, thành phố Cần Thơ cũng mong muốn tăng cường hợp tác về chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ EU vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố như: thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường.

Trong các lĩnh vực ưu tiên, chú trọng một số lĩnh vực về công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản; cơ khí chế tạo; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển đô thị thông minh; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...

Hợp tác xây dựng Cần Thơ thành đô thị trung tâm của ĐBSCL ảnh 2Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường thông tin thêm với các đại sứ về tiềm năng, thế mạnh cũng như định hướng phát triển của thành phố Cần Thơ khi thành phố được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59 về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ cũng như các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và thành phố Cần Thơ nhằm xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm, động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Việt Trường bày tỏ mong muốn EU đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào thành phố Cần Thơ để góp phần sớm đưa thành phố trở thành đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương nhất trước sự tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới và đang đe dọa đến sinh kế của hàng triệu con người như vấn đề nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và những sự kiện thiên tai như bão lụt xảy ra thường xuyên với cường độ lớn hơn.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề khác như sụt lún đất do khai thác quá nhiều nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt ở các khu vực đô thị, thiếu nguồn trầm tích do khai thác thủy điện ở thượng nguồn, vấn đề khai thác cát làm xói mòn, gây hạn hán, suy giảm chất lượng nguồn nước. Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý cũng như vấn đề về chính sách.

Hợp tác xây dựng Cần Thơ thành đô thị trung tâm của ĐBSCL ảnh 3Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức Guido Hildner phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Mặt khác, EVFTA là hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU mang lại các cơ hội, tiềm năng đầu tư lớn từ EU vào Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm tại thị trường Việt Nam; trong đó, có thành phố Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam nhưng cũng là khu vực dễ bị tổn thương trước sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu.

Đại sứ Giorgio Aliberti cũng cho biết, trong tổng số các dự án mà EU đầu tư vào Việt Nam trong kế hoạch đa niên giai đoạn 2021-2027, các dự án liên quan đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 70 chương trình, dự án với nguồn vốn tài trợ là 548 triệu euro; trong đó, 2/3 là nguồn vốn cho vay và 1/3 là nguồn vốn là viện trợ không hoàn lại.

Trong tổng số 70 chương trình, dự án có 11 chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến thành phố Cần Thơ với nguồn vốn dự kiến khoảng 26 triệu euro; trong đó, chương trình có nguồn vốn cho vay lớn nhất là 20 triệu Euro liên quan đến vấn đề xử lý tình trạng nước biển dâng và thích ứng với biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.

Hiện nay, EU cũng đã hỗ trợ cho quá trình chuẩn bị kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu cho thành phố Cần Thơ trong năm 2021 thông qua sự hỗ trợ dành cho Công ước toàn cầu đối về biến đổi khí hậu và năng lượng... Từ đó, nhằm hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long thành hình mẫu của các quốc gia, khu vực và toàn cầu về những hành động để chống chọi tốt với tác động của biến đổi khí hậu.

Các đối tác EU rất hoan nghênh việc ký kết gần đây về kế hoạch tổng thể phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và tin tưởng rằng kế hoạch ký kết này sẽ đi đúng hướng và sẽ được thực hiện thành công.

Hợp tác xây dựng Cần Thơ thành đô thị trung tâm của ĐBSCL ảnh 4Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước châu Âu là 125,92 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, dược phẩm, thuốc thú y, thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng khác (da thuộc, máy móc thiết bị).

Kim ngạch nhập khẩu là 14,45 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, nông dược, thuốc thú y, vải và một số mặt hàng khác (lông vũ, da thuộc, xe các loại...).

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ cũng có nhiều chương trình hợp tác đầu tư, giao lưu hữu nghị với các nước như Pháp, Hungary, Hà Lan, Đức, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na Uy.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục