Họp thượng đỉnh Pháp-Đức: Nhiều gậy, thiếu cà rốt

Dưới áp lực nặng nề phải khôi phục niềm tin vào khu vực đồng euro, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tạm ngừng tăng quỹ cứu trợ của khối, song hứa sẽ sát cánh bên nhau cứu đồng euro và đặt nền tảng cho liên minh tài chính trong tương lai.

Thông điệp của hai nước là cần tập trung vào việc tăng cường hòa nhập về kinh tế hơn là chi tiền cứu trợ, đồng thời cho biết sẽ không chấp nhận việc vượt ra khỏi những quy định và các mục tiêu tài chính của khu vực đồng euro.
Reuters đưa tin, ngày 16/8, Pháp và Đức đã chính thức công bố các kế hoạch sâu rộng nhằm tăng cường sự hội nhập trong khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, hai nước không tán thành việc sớm phát hành trái phiếu chung bằng đồng euro, mà thay vào đó xem đây là một phương án về lâu dài.

Dưới áp lực nặng nề phải khôi phục niềm tin vào khu vực đồng euro, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tạm ngừng tăng quỹ cứu trợ của khối, song hứa sẽ sát cánh bên nhau cứu đồng euro và đặt nền tảng cho liên minh tài chính trong tương lai.

Thông điệp của hai nước là cần tập trung vào việc tăng cường hòa nhập về kinh tế hơn là chi tiền cứu trợ, đồng thời cho biết sẽ không chấp nhận việc vượt ra khỏi những quy định và các mục tiêu tài chính của khu vực đồng euro.

Trong cuộc họp báo chung với bà Merkel sau các cuộc hội đàm, ông Sarkozy nói: "Chúng tôi thực sự có chung quan điểm về vấn đề trái phiếu euro. Trái phiếu euro có thể là một giải pháp được tính đến vào một ngày nào đó, nhưng là khi kết thúc quá trình hợp nhất châu Âu chứ không phải vào lúc bắt đầu quá trình này."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp trên sẽ không làm giảm căng thẳng thị trường vì thị trường vốn tin rằng trái phiếu chung là cách duy nhất có thể đảm bảo khả năng thanh khoản cho các thành viên khu vực đồng euro đang trầy trật với núi nợ.

Nhà hoạch định chiến lược Richard McGuire thuộc Rabobank nói: "Cuộc họp lần này chỉ toàn là cây gậy như việc tăng cường thực thi các quy định tài chính, và không có củ cà rốt nào như là huy động các nguồn tài chính thông qua một loại trái phiếu chung."

Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ của các cử tri ở Bắc Âu - khu vực đã chán ngán việc phải cứu trợ cho khu vực phía Nam trong khi chính họ đang phải thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Điều nay đặc biệt đúng ở Đức, với tăng trưởng kinh tế chậm chạp gần như bằng 0 trong hai quý qua.

Thủ tướng Merkel nói: "Đức và Pháp cảm thấy nhất định phải củng cố đồng euro như một đồng tiền chung của chúng ta và phải phát triển nó hơn nữa. Và hoàn toàn rõ ràng rằng để điều này xảy ra, chúng ta cần cùng sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa chính sách kinh tế và tài chính trong khu vực đồng euro."

Còn theo ông Sarkozy, nếu như được chấp thuận, đề xuất của họ sẽ trở thành quy định bắt buộc. Theo đó, các chính phủ khu vực euro sẽ phải đưa các quy định hạn chế thâm hụt ngân sách vào hiến pháp của nước mình.

Ông nói: "Đồng euro đã mang lại cho chúng ta rất nhiều tiến bộ về kinh tế, song đồng euro không chỉ là quyền lợi, mà nó còn là bộ quy định, nghĩa vụ, và nguyên tắc."

Mặc dù vẫn chưa rõ bằng cách nào các chính phủ có thể bị buộc phải chấp nhận những thay đổi hiến pháp đầy khó khăn mang tính chính trị, song ông Sarkozy nói rằng sẽ không chấp nhận việc vượt ra khỏi các quy định.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng kế hoạch của châu Âu có thể không thực hiện được nếu như những áp lực chính trị ở trong nước cản trở tham vọng của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, hai cường quốc kinh tế và chính trị chủ chốt trong khối này.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, những đảng viên Bảo thủ của bà Merkel đã kịch liệt phản đối gói cứu trợ lần hai cho Hy Lạp.

Trong khi đó, ông Sarkozy - người đang phải đối mặt với trận chiến đầy cam go để có thể tái đắc cử trong năm tới - cũng đang phải thúc đẩy thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để thuyết phục các thị trường rằng Pháp có thể tiếp tục giữ bậc tín nhiệm AAA của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục