Hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại

Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống.

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang trao giải Khuyến khích, Giải Báo chí Quốc gia, cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang trao giải Khuyến khích, Giải Báo chí Quốc gia, cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 21/4/1950, Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam, đã diễn ra tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trải qua 74 năm xây dựng, phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề; giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp.

Nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội

Qua 74 năm thành lập, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã có hơn 25.424 hội viên đang sinh hoạt tại 307 đơn vị các cấp hội (63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 21 liên chi hội, 223 chi hội trực thuộc Hội). Với 13.435 hội viên, 63 hội nhà báo các tỉnh, thành phố chiếm hơn 50% số lượng hội viên trong toàn quốc.

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam luôn được quan tâm, qua đó tạo sự thống nhất, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội. Phương thức hoạt động của Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của một nền báo chí cách mạng, hiện đại.

Thường trực Hội Nhà báo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp̣ người làm báo; bồi dưỡng nâng cao nghiệp̣ vụ; tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tăng cường quản lý sinh hoạt của hội viên là phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại địa phương; hưởng ứng, phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với chuẩn mực đạo đức, Bộ tiêu chí văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được các cấp hội chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Công tác kiểm tra, giám sát; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên luôn được quan tâm, đẩy mạnh.

Năm 2023, Trung ương Hội tổ chức 29 đợt giám sát tại các Liên chi hội, chi hội trực thuộc và một số Hội Nhà báo địa phương, góp phần thắt chặt kỷ cương, nền nếp, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp hội trực thuộc đã tăng cường hoạt động, xử lý, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên các trường hợp vi phạm.

Căn cứ vào kết quả xử lý Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 14 vụ việc liên quan đến 10 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật, Quy tắc sử dụng mạng xã hội. Đa phần các vụ việc phóng viên đều đang ký hợp đồng thử việc, chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tỷ lệ hội viên vi phạm chiếm 30%, tập trung ở các tạp chí. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã ban hành quyết định khai trừ, thu hồi thẻ 4 hội viên vi phạm pháp luật khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Xác định công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nhà báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cũng trong năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên-nhà báo; gửi 14 công văn can thiệp đối với những vụ việc phức tạp, đó là các vụ việc phóng viên bị hành hung đe dọa khi tác nghiệp; báo cáo về việc phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp; gửi văn bản tới các cơ quan chức năng nơi vụ việc xảy ra để điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm.

ttxvn-bao chi1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 18, phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định nhìn chung, các cấp hội đã phát huy tinh thần đoàn kết-kỷ cương-đổi mới-sáng tạo-phát triển; phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động của tổ chức Hội. Nhờ vậy, hoạt động của các cấp hội ngày càng chuyên nghiệp, thiết thực, đi vào chiều sâu. Vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được tăng cường trong đời sống báo chí và xã hội.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tập trung hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra với phương châm "Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển." Theo đó, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam. Có thể kể đến một số nhiệm vụ trọng tâm, như xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên.

Bên cạnh đó, các cấp hội nhà báo phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham gia hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đảm bảo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, hiệu quả. Tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo, hội viên hoạt động đúng pháp luật...

Trước mắt, năm 2024, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với các cấp hội nhà báo là tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội nhiệm kỳ các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030; không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, góp phần thiết thực, có hiệu quả vào việc tuyên truyền, quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông-chuyên nghiệp-nhân văn-hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Xây dựng đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu về mọi mặt; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, nâng cao uy tín của Hội trên trường quốc tế, đặc biệt trong cộng đồng ASEAN...

Mới đây, tại hội nghị triển khai hoạt động năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã giao nhiệm vụ trọng tâm cho các cấp Hội Nhà báo. Đó là, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần được triển khai thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn.

ttxvn-bao chi3.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho đại diện nhóm tác giả Báo điện tử VietnamPlus thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh đó, Hội cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên để khắc phục hiện tượng một số cấp hội và cơ quan báo chí còn xảy ra vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo; phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam.

Cùng đó, hội nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; đặc biệt với công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục