Hy sinh tuổi thanh xuân, cô giáo dành cả cuộc đời bám đảo

Sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt về mọi mặt, lại xa gia đình, cô Thủy không nhớ đã có bao nhiêu đêm lặng lẽ ra bờ biển ngồi khóc một mình. Biển đêm mù mịt, chỉ có tiếng sóng cuộn ầm ào...
Hy sinh tuổi thanh xuân, cô giáo dành cả cuộc đời bám đảo ảnh 1Cô Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. (|Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Tình nguyện ra xã đảo Lại Sơn khi mới tròn 20 tuổi, cô Nguyễn Thị Bích Thủy vẫn nhớ cảm giác sốc nặng sốc khi trước mắt là ngôi trường lợp sơ sơ bằng lá nhìn thông thống lên trời xanh. Chỗ ngủ của giáo viên là bàn học, người nằm trên bàn, người nằm dưới ghế.

Biết bao đêm, cô ngồi khóc bên bờ biển, giữa muôn trùng sóng, vì nhớ nhà, vì buồn, vì thiếu thốn trăm bề.

Có 6 người cùng đi thì đến 3 người không thể chịu được khó khăn đã bỏ về…

Nhưng cô vẫn quyết tâm ở lại.

Mới đó mà đã 29 năm ròng rã trôi qua…

Mê mải với trò, quên cả tuổi xuân

Sinh ra và lớn lên ở An Giang, học sư phạm ở Kiên Giang, cô Thủy khi đó có lẽ cũng không thể nghĩ cả cuộc đời mình sẽ gắn bó với mảnh đất này.

Cô tốt nghiệp trường sư phạm năm 1987, thời điểm mà ở đâu cũng thiếu giáo viên, vùng biển đảo lại càng thiếu. 

Là người say mê với hoạt động tình nguyện, luôn sẵn sàng tinh thần cống hiến ở bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, lại thêm bản tính thích khám phá, nên cô đã tình nguyện xin ra đảo, vừa để tìm hiểu về vùng đất mới, vừa mang tri thức đến cho những học sinh nghèo.

Quyết định ấy của cô gái trẻ đương nhiên đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của gia đình. “Ngày tôi đi, bố mẹ khóc nức nở, mong tôi nghĩ lại. Nhưng tôi vẫn kiên định theo con đường mà mình đã chọn…”, cô Thủy kể.

Tình nguyện ra đảo, biết là sẽ nhiều khó khăn đang chờ phía trước, nhưng cô nữ sinh mới ra trường ấy vẫn không khỏi sốc, choáng váng vì những thiếu thốn đủ đường khi ở giữa biển khơi.

Quanh đảo là đường đất đầy sỏi đá, những vách núi cheo leo. Điện không có, nước vô cùng thiếu. Lương thấp do chế độ đãi ngộ giáo viên ngoài đảo khi đó không được ưu đãi như hiện nay, đời sống rất khó khăn.

Trường lớp tạm bợ. Ngay cả điểm trường chính cũng chỉ là mái lá lẹp xẹp, lợp chỗ kín chỗ hở, trời mưa ướt nhẹp, trời tạnh thì ánh nắng xuyên thẳng xuống cô trò, gió lùa tung sách vở.

Giáo viên không có giường để nằm. Chỗ ngủ của các cô chính là bàn ghế. Người nằm bàn, người nằm ghế.

Việc dạy học cũng gặp nhiều khó khăn vì dân nghèo, không có điều kiện cho con đến lớp, phụ huynh đa phần mù chữ và suốt đời gắn với mảnh thuyền chài đánh cá lênh đênh trên biển. Con nhỏ ở nhà, lớn hơn một chút theo bố mẹ ra khơi. Giáo viên phải đến từng nhà vận động trẻ ra lớp.

Sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt về mọi mặt, lại xa gia đình, cô Thủy không nhớ nổi đã có bao nhiêu đêm lặng lẽ ra bờ biển ngồi khóc một mình. Biển đêm mù mịt, chỉ có tiếng sóng cuộn ầm ào, mặt nước mênh mông, càng làm cho cô gái trẻ thêm tủi lòng, buồn vắng, cô đơn.

Nhiều người không thể chịu được đã rời bỏ để về với đất liền…

Nhưng cô giáo trẻ Bích Thủy vẫn quyết tâm bám trụ Lại Sơn, bởi mỗi lần chùn bước, những ánh mắt học trò ngây thơ ở đây, sự nghèo khó và thiệt thòi của các em lại hiện lên trước mắt, thôi thúc cô phải bù đắp phần nào.

Ban ngày dạy học sinh, cả sáng, cả chiều, buổi tối cô tranh thủ đến nhà các em để kèm cặp và dạy chữ xóa “mù” cho cả phụ huynh. Trên đảo không có điện, chỉ có ánh đèn dầu. Cô cứ đốt đèn hay mượn ánh trăng soi sáng mà đi, vượt qua những cung đường khó khăn, ngoằn nghoèo trên đảo, đến với từng mái nhà lẩn khuất. 

Phụ trách công tác đoàn nên cô Thủy thường xuyên phải đến các điểm trường lẻ trên đảo. Đường đến điểm lẻ rất khó khăn. Đi bằng xuồng sẽ phải đi vòng quanh đảo, trong khi sóng biển rất to. Đi trên đảo thì phải lội bộ 3 tiếng đồng hồ qua những đỉnh núi dựng ngược.

Mỗi lần đến điểm lẻ, sau buổi dạy, cô phải nghỉ nhờ qua đêm ở nhà dân, sáng hôm sau mới đi bộ về. Những cung đường vách đá cheo leo ấy đã ghi dấu không biết bao nhiêu lần đi về của đôi bàn chân cô bé nhỏ. 

Mùa Hè, trong khi nhiều giáo viên tranh thủ để về quê với gia đình thì cô tình nguyện ở lại. Trẻ em Lại Sơn đã có những ngày hè hạnh phúc khi ban ngày được cô Thủy kèm cặp những phần kiến thức còn hổng, buổi tối, cô tổ chức các chương trình sinh hoạt Hè cho các em vui chơi. 

Kể về những buổi sinh hoạt Hè, sinh hoạt Đội cho các em, cùng học sinh hát Quốc ca, Đội ca, chơi trò chơi, ánh mắt cô như thêm bừng sáng. 

Với mọi người, đó là những tháng ngày quá vất vả gian nan, nhưng với cô Thủy, có lẽ đó là những chuỗi ngày hạnh phúc khi được nhìn thấy niềm vui rạng trên nét mặt, được nghe tiếng cười rộn ràng giòn tan của những học trò nghèo giữa muôn trùng biển cả. 

Tiếng cười của các em chính là phần thưởng lớn nhất và xóa tan đi mọi mệt nhọc trong cô, khiến những vách đá cheo leo dựng ngược không còn là trở ngại cho mỗi bước chân đi.

Cứ như thế, suốt từ sáng đến đêm, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, năm gối năm, cô giáo trẻ ấy cứ mải mê với hết thế hệ học trò này đến lứa học trò khác trên đảo Lại Sơn mà quên mất tuổi xuân của mình đã qua tự lúc nào.

Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Hy sinh tuổi thanh xuân, cô giáo dành cả cuộc đời bám đảo ảnh 2 Nguyễn Thị Bích Thủy nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Nguyện cả đời cống hiến với Lại Sơn

Năm 40 tuổi, cô Thủy mới lập gia đình với một người kỹ sư khi anh ra làm công trình trên đảo. Yêu và trân trọng những tình cảm, nhiệt huyết của cô với sự nghiệp trồng người nơi đây, anh đã tình nguyện ở lại Lại Sơn.

Cô Thủy vẫn nhớ như in ngày chuẩn bị sinh con, hai vợ chồng chèo xuồng ra tàu về đất liền, nhưng vừa ra khơi thì sóng quá lớn đánh chìm con xuồng nhỏ.

“Dù đã nhiều lần bị chìm xuồng nhưng khi đó, tôi thực sự bị hoảng vì lo cho đứa con trong bụng. bụng. Đã gần ngày sinh nên cơ thể khá nặng nề, phải một lúc tôi mới đứng lên được. May mà ở chỗ đó mực nước chưa quá sâu. Hai vợ chồng kéo xuồng lên, lắc cho nước cạn, rồi lại chèo ra..,” cô Thủy kể.

Mới đây, để tiện cho việc học của con, gia đình cô đã chuyển về đất liền Rạch Giá. Chồng, con ở lại đất liền, nhưng cô vẫn tiếp tục hành trình bám đảo. 

Giờ ra Lại Sơn đã có tàu cao tốc, nên cũng thuận tiện hơn, không còn vất vả và mất nhiều thời gian như trước. Mỗi chiều thứ Sáu, cô đón tàu về đất liền, chiều Chủ nhật đón tàu trở lại Lại Sơn.

“Nhiều khi nghĩ về những năm tháng đã qua, tôi cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua một cách rất nhẹ nhàng. Vất vả nhưng hạnh phúc khi thấy mình đã mang được tri thức đến cho các em trò, khi nhìn thấy các em trưởng thành. Nhiều em sau này lại trở thành đồng nghiệp. Đó là món quá lớn nhất đối với những người thầy,” cô Thủy xúc động nói.

Rồi cô lại cười vui khi khoe Lại Sơn hôm nay đã thay da đổi thịt rất nhiều so với 29 năm về trước, khi cô lần đầu bước chân lên đảo. “Tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Lại Sơn bây giờ đã có đường quanh đảo. Trường học cũng được xây dựng khang trang hơn. Năm 2015, điện đã về tới đảo. Đời sống người dân cũng dần khấm khá,” cô Thủy say sưa kể.

Chợt chùng giọng, cô bảo, nếu so với trong đất liền thì học sinh biển đảo vẫn còn thiếu thốn, thiệt thòi nhiều lắm.

“Tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm hơn nữa để học sinh biển đảo được tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại như có hệ thống máy vi tính, có phòng học ngoại ngữ để các em có điều kiện học tập tốt hơn.”

Với những cống hiến không mệt mỏi, cô Nguyễn Thị Bích Thủy vừa được chọn là một trong 42 gương mặt giáo viên tiêu biểu nhất được vinh danh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Cô cũng là nhà giáo có số năm bám đảo nhiều nhất, với 29 năm, trong tất cả 42 giáo viên được tuyên dương.

“Nếu muốn về đất liền, tôi hoàn toàn đủ tiêu chuẩn luân chuyển vì đã ở đảo quá lâu. Nhưng tự lúc nào, Lại Sơn đã trở thành ngôi nhà, thành quê hương thứ hai của mình. Tôi nguyện cả đời gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây, với con em Lại Sơn, khó khăn đến đâu cũng không chùn bước,” cô Thủy xúc động nói./.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ về những năm tháng công tác tại xã đảo Lại Sơn
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục