Cuộc đàm phán về khung chương trình thanh sát hạt nhân giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran đã kết thúc sau hai ngày làm việc 28-29/10 tại Vienna, Áo với kết quả được cả hai bên đánh giá là tích cực.
Phó Tổng giám đốc IAEA, Trưởng đoàn thanh sát vấn đề hạt nhân Iran Tero Varjoranto cho biết "Iran đã có một đề xuất mới liên quan các biện pháp thanh sát trên thực địa và đây có thể xem là một đóng góp mang tính xây dựng để tăng cường hợp tác và đối thoại cho các giải pháp trong tương lai."
Ông Varjoranta không tiết lộ nội dung chi tiết của đề xuất, nhưng khẳng định hai bên "đã có cuộc gặp hữu ích cùng bàn thảo về các vấn đề quá khứ và hiện tại". Đại sứ Iran tại IAEA Reza Najafi cũng bày tỏ tin tưởng những đề xuất Iran vừa đệ trình có thể "mở ra một chương mới cho hợp tác giữa hai bên".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cũng khẳng định Iran lạc quan về các vòng đàm phán tiếp theo với IAEA. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 29/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ Trung Quốc đánh giá cao những tiến bộ đã đạt được liên quan các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, đồng thời cho rằng IAEA và Iran cần tiếp tục tiến trình đối thoại và hợp tác chặt chẽ.
IAEA và Iran sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại Tehran vào ngày 11/11, chỉ vài ngày sau khi Iran có cuộc gặp với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) tại Geneve (Thụy Sĩ) từ 7-8/11 để thảo luận về chương trình hạt nhân của nước này. Các nhà phân tích cho rằng, những tiến bộ trong đàm phán IAEA và Iran đóng vai trò quan trọng cho triển vọng thành công của các cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1, vì vướng mắc chính hiện nay vẫn là IAEA chưa đạt được thỏa thuận về khung thanh sát với Iran.
Giới quan sát cũng hy vọng cuộc gặp tới tại Tehran sẽ là cơ hội để Iran và IAEA phối hợp xử lý các mối quan ngại chung. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích David Albright thuộc Viện Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ cho rằng còn quá sớm để lạc quan về viễn cảnh này.
Cho tới nay, đàm phán về chương trình năng lượng hạt nhân gây tranh cãi của của Iran vẫn ở thế bế tắc khi các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ yêu cầu Iran giảm các hoạt động phát triển hạt nhân và cho phép IAEA tiến hành giám sát chặt chẽ hơn, trong khi đó Tehran một mực khẳng định quyền được làm giàu urani và sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ các mục đích hòa bình như công nghiệp và y tế. Tuy nhiên, kể từ khi ông Hassan Rouhani trở thành Tổng thống Iran tháng 8/2013, chính phủ nước này đã có cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong quan hệ với IAEA và các nước phương Tây.
IAEA đã tiến hành 12 vòng đàm phán với Iran kể từ năm 2011 về khuôn khổ thanh sát nhưng vẫn chưa đạt được kết quả đột phá nào. Trong khi đó, nhóm P5+1 và Iran cũng đã nối lại đàm phán hạt nhân trong các ngày 15-16/10 tại Thụy Sĩ, hơn nửa năm sau khi tiến trình thương lượng bị ngừng trệ hồi tháng Tư vừa qua ở Kazakhstan, khi Tehran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu urani nhạy cảm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này./.