IATA: Ngành hàng không ở khu vực Trung Đông chịu sức ép lớn

Theo IATA, đóng góp của ngành hàng không trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế tại khu vực Trung Đông trong năm nay có thể giảm tới 105 tỷ USD do dịch COVID-19.
IATA: Ngành hàng không ở khu vực Trung Đông chịu sức ép lớn ảnh 1Máy bay của Hãng hàng không Qatar Airways. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Hiệp hội Vận tại Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố một nghiên cứu mới, trong đó dự báo sẽ có khoảng 1,7 triệu lao động trong ngành hàng không tại khu vực Trung Đông mất việc làm trước cuối năm nay, do giao thông hàng không tiếp tục chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo IATA, số lao động thất nghiệp nói trên chiếm hơn một nửa trong tổng số 3,3 triệu việc làm trong ngành hàng không và các dịch vụ liên quan ở khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, đóng góp của ngành hàng không trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế tại khu vực này có thể giảm tới 105 tỷ USD.

Bất chấp những nỗ lực nhằm khôi phục nền kinh tế sau các đợt phong tỏa kéo dài, IATA cho rằng ngành hàng không tại Trung Đông vẫn chịu sức ép rất lớn, khi nhu cầu giao thông hàng không ở khu vực hiện vẫn thấp hơn 90% so với thời điểm năm 2019.

[Các hãng hàng không châu Âu giảm mạnh giá vé để thu hút hành khách]

Dù 11 quốc gia trong khu vực đã bắt đầu mở cửa biên giới, hành khách vẫn phải cách ly bắt buộc trong nhiều trường hợp. Do đó, IATA kêu gọi triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có hệ thống cho hành khách trước khi khởi hành, nhằm giúp khôi phục niềm tin của khách hàng, qua đó từng bước giúp ngành hàng không phục hồi.

Đánh giá về nghiên cứu mới công bố, Phó Chủ tịch IATA phụ trách khu vực Trung Đông và châu Phi, Muhammad Albakri cho rằng kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự cần thiết phải khởi động lại lĩnh vực hàng không tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh ngành này thường đóng góp hàng trăm tỷ USD cho GDP của khu vực.

Các biện pháp cách ly để kiểm soát dịch COVID-19 đã tác động đáng kể tới khả năng phục hồi của ngành hàng không, cũng như hạn chế những đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Vì vậy, ông Albakri cho rằng tiến hành xét nghiệm hành khách (trước khi khởi hành) sẽ giúp ngành hàng không Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung duy trì kết nối an toàn, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục