IEA và OPEC nhận định về thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng mạnh do tốc độ tiêu thụ khí đốt tăng và hoạt động di chuyển quốc tế nhộn nhịp trở lại khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế.
IEA và OPEC nhận định về thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo giá dầu có thể sẽ ngừng tăng trong thời gian tới khi sản lượng dầu tăng. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo thị trường dầu mỏ sẽ dư cung từ cuối năm nay.

Tình trạng thiếu khí đốt và than đá đã khiến nhu cầu dầu mỏ tăng, kéo giá nhiên liệu này tăng theo. Tháng trước, IEA, cơ quan tư vấn cho các chính phủ về chính sách năng lượng, dự báo giá dầu sẽ tăng lên các mức cao chưa từng có trong nhiều năm.

Tuy nhiên, đến ngày 16/11, IEA đưa ra một tín hiệu lạc quan, cho rằng làn sóng tăng giá có thể sẽ đảo chiều. IEA cho biết thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang "khát" trên mọi khía cạnh, nhưng tình trạng này có thể sẽ chấm dứt trong tương lai gần.

Tuy nhiên, IEA thận trọng lưu ý rằng tình trạng được cải thiện là nhờ nguồn cung dầu mỏ tăng chứ không phải vì nhu cầu giảm.

Cho đến nay, giá dầu mỏ tăng chủ yếu do kinh tế toàn cầu phục hồi sau thời gian tê liệt vì đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn thấp.

[Các nghị sỹ Mỹ thúc Tổng thống Biden dùng dự trữ dầu khẩn cấp]

Giá một thùng dầu tăng khoảng 20 USD trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10, trước khi lên mức ổn định quanh 80 USD/thùng. Trong tháng 10, nguồn cung dầu mỏ tăng mạnh, khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, trong đó việc các nhà sản xuất Mỹ phục hồi hoạt động sau các cơn bão đã góp thêm 50% trong mức tăng trên.

Theo IEA, giá dầu thế giới hiện nay đang tạo động lực lớn để thúc đẩy sản xuất dầu mỏ Mỹ, kể cả khi các nhà sản xuất sẽ phải tuân thủ các cam kết về các hình phạt liên quan giới hạn sản xuất nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Dự báo, trong tháng 10 và tháng 11 tới, sản lượng dầu mỏ thế giới còn tăng thêm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng mạnh do tốc độ tiêu thụ khí đốt tăng và hoạt động di chuyển quốc tế nhộn nhịp trở lại khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế sau thời gian hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh.

Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh mới tại châu Âu, các hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại và giá dầu mỏ cao hơn có thể sẽ kìm hãm đà tăng trên. Do đó, IEA hầu như giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.

Trong các năm 2021 và 2022, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm lần lượt là 5,5 triệu thùng/ngày và 3,4 triệu thùng/ngày. 

Cũng trong ngày 16/11, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ vượt nhu cầu sớm nhất là vào đầu tháng 12 tới và thị trường sẽ tiếp tục theo xu hướng dư cung trong năm 2022.

Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị dầu mỏ tại Abu Dhabi, ông Barkindo nhận định tình trạng dư cung xảy ra sớm nhất là từ tháng 12 tới, đồng thời cho rằng đây là những dấu hiệu mà thế giới cần phải hết sức thận trọng.

Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong quý IV/2021, theo đó giảm khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra vào tháng 10 trong bối cảnh giá năng lượng tăng cản trở phục hồi kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục