IMF: Campuchia sẽ góp mặt trong nhóm tăng trưởng GDP nhanh nhất ASEAN

Theo dự báo của IMF, sang năm 2022, Campuchia sẽ có mặt trong nhóm nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ASEAN, với vị trí thứ ba (bằng Malaysia với 6,0%), sau Việt Nam (7,2%) và Philippines (6,5%).
IMF: Campuchia sẽ góp mặt trong nhóm tăng trưởng GDP nhanh nhất ASEAN ảnh 1Bên trong một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 9/4 đưa tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia sẽ tăng từ 4,2% năm 2021 lên 6,0% năm 2022, đưa Campuchia vào nhóm các nước tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm tới.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố giữa tuần này tại Washington (Mỹ), IMF cũng dự kiến Campuchia sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm 2026, với GDP tăng 6,8%.

Theo số liệu của IMF, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GDP của Campuchia đã giảm 3,5% năm ngoái, trong khi một số nền kinh tế trong khu vực còn giảm mạnh hơn như Philippines (-9,5%), Thái Lan (-6,1%), Malaysia với -5,6% và Singapore với -5,4%.

Chỉ có ba nước ASEAN có GDP tăng là Myanmar (3,2%), Việt Nam (2,9%) và Brunei (1,2%).

Năm 2021, có 6 nước ASEAN theo dự tính có mức tăng trưởng GDP cao hơn Campuchia, đó là Philippines (6,9%), Malaysia và Việt Nam (cùng 6,5%), Singapore (5,2%), Lào (4,6%) và Indonesia (4,3%).

[IMF ghi nhận những sáng kiến của Campuchia trong ứng phó với COVID-19]

Tuy nhiên, sang năm 2022, Campuchia sẽ có mặt trong nhóm nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất ASEAN, với vị trí thứ ba (bằng Malaysia với 6,0%), sau Việt Nam (7,2%) và Philippines (6,5%).

Trước đó, trong báo cáo công bố vào tháng 3/2021, Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của IMF đã ghi nhận sáng kiến của Campuchia về đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo là những biện pháp ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.

IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.

Trong hơn một năm qua, dịch COVID-19 đã gây những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Campuchia, mà theo một chuyên gia Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia ước tính sơ bộ thiệt hại có thể lên tới 250 triệu USD.

Thông báo mới đây của Bộ Các vấn đề Xã hội Campuchia cho biết chính phủ đã giải ngân khoảng 291 triệu USD cứu trợ tới 692.092 hộ gia đình nghèo bị tổn thương trong giai đoạn dịch COVID-19. Mỗi hộ nghèo trong chương trình nói trên được trợ cấp 30 USD/tháng.

Khoảng 2,7 triệu người Campuchia đã được hưởng lợi từ chương trình cứu trợ tiền mặt này, trong đó có 341.915 người trên 60 tuổi; 59.962 người tàn tật; 1.973 bệnh nhân HIV và 187.520 trẻ em dưới 5 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục