IMF ghi nhận những sáng kiến của Campuchia trong ứng phó với COVID-19

IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.
IMF ghi nhận những sáng kiến của Campuchia trong ứng phó với COVID-19 ảnh 1Cảnh sát phát khẩu trang cho người dân để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bản báo cáo công bố vào tháng 3/2021, Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận sáng kiến của Campuchia về đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo là những biện pháp ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.

Báo cáo của IMF có tựa đề “Lời khuyên chính sách cho châu Á trong kỷ nguyên COVID-19,” đánh giá những tác động của đại dịch với khu vực là “rất khắc nghiệt” khi hàng loạt cơ sở sản xuất và kinh doanh buộc phải đóng cửa, trong khi lượng cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm hoàn toàn khiến tình trạng thất nghiệp lan rộng.

Phân tích của các chuyên gia IMF nhấn mạnh: “Một số nghề sẽ không bao giờ quay lại khi thế giới chuyển đổi sang thực tế bình thường mới thời hậu COVID.” Gần như tất cả các nước trong khu vực đã phải áp dụng những biện pháp mới để ứng phó với dịch COVID-19.

Báo cáo nêu ví dụ về việc hỗ trợ tiền mặt cho dân nghèo được thực hiện ở khoảng 50% số quốc gia trong khu vực, trong một số trường hợp là hỗ trợ vô điều kiện, nhưng phần lớn là chương trình có mục tiêu rõ ràng cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Tiền trợ cấp thất nghiệp được phân phối rộng rãi ở Indonesia, trong khi chương trình hỗ trợ đào tạo nghề lại được triển khai mạnh ở Campuchia.

[Campuchia đẩy mạnh công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19]

Để giải quyết những khó khăn trong tương lai, bản báo cáo của IMF nêu rõ vấn đề chính phụ thuộc vào năng lực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, những nước có thu nhập trung bình, nơi hầu như thiếu các cơ chế như bảo hiểm thất nghiệp, lại rất tích cực áp dụng các biện pháp mới.

IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.

Trong hơn một năm qua, dịch COVID-19 đã gây những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Campuchia, mà theo một chuyên gia Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia ước tính sơ bộ thiệt hại có thể lên tới 250 triệu USD.

Thông báo mới đây của Bộ Các vấn đề Xã hội Campuchia cho biết chính phủ đã giải ngân khoảng 291 triệu USD cứu trợ tới 692.092 hộ gia đình nghèo bị tổn thương trong giai đoạn dịch COVID-19. Mỗi hộ nghèo trong chương trình nói trên được trợ cấp 30 USD/tháng.

Khoảng 2,7 triệu người Campuchia đã được hưởng lợi từ chương trình cứu trợ tiền mặt này, trong đó có 341.915 người trên 60 tuổi; 59.962 người tàn tật; 1.973 bệnh nhân HIV và 187.520 trẻ em dưới 5 tuổi.

Hôm 29/3, Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia cũng công bố khởi động Bảo lãnh tín dụng phục hồi kinh doanh (BRGS) trị giá 200 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các đối tượng, trong đó có những doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp lớn để tiếp cận các khoản vay từ Công ty bảo lãnh tín dụng Campuchia (CGCC).

CGCC là công ty nhà nước đầu tiên của Campuchia hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh tín dụng, được thành lập theo sắc lệnh của Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trụ lại và hồi phục kinh doanh trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Chương trình BRGS trong giai đoạn đầu sẽ đóng góp 200 triệu USD vốn cho vay thông qua nhiều ngân hàng của Campuchia như ACLEDA Bank, Asia Pacific Development Bank, AMK MFI, Cambodia Post Bank, Canadia Bank, Phillip Bank và Prince Bank./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục