IMF đề cao cách vượt qua khủng hoảng của châu Á

Tổng Giám đốc IMF đề cao phản ứng hiệu quả của châu Á trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kêu gọi thế giới học hỏi kinh nghiệm này.
Phát biểu ngày 12/7 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đã đánh giá cao phản ứng hiệu quả và kiên cường của châu Á trước các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bà kêu gọi thế giới cần học hỏi kinh nghiệm này của châu Á.

Tổng Giám đốc Lagarde nhấn mạnh trong lịch sử, châu Á đã nhiều lần đóng vai trò quan trọng đối với thế giới và nay cũng là lúc thế giới cần lắng nghe tiếng nói của châu Á và đón nhận những ý tưởng từ châu Á. Các cuốn sách giáo khoa về kinh tế quốc tế cần ghi nhận những giải pháp của châu Á.

Bà Lagarde nêu rõ châu Á đã trở thành động lực để ổn định nền kinh tế thế giới trong bối cảnh triển vọng chấm dứt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa xuất hiện. Trong 3 tháng qua, triển vọng này lại trở nên ảm đạm và đáng lo ngại hơn không chỉ ở châu Âu và Mỹ mà ở cả các nền kinh tế mới mổi.

Trong bối cảnh này, châu Á đã nổi lên không chỉ với vị thế kinh tế không bị ảnh hưởng mà còn được củng cố. Vì thế, theo quan chức hàng đầu của IMF, những bài học từ thực tế này không chỉ bổ ích cho các khu vực khác mà cả châu Âu.

Sự can đảm và cam kết của châu Á thực hiện các cải tổ rộng rãi, trong đó nhiều cải tổ không dễ giải thích với nhân dân, là tấm gương để nhiều khu vực khác trên thế giới noi theo. Nhờ giảm được nguy cơ dễ bị tổn thương của các công ty, khu vực tài chính và nguy cơ dễ bị tổn thương từ bên ngoài, các cải tổ này đã đưa châu Á trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Vì vậy, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 tác động đến châu Á, châu lục này đã được chuẩn bị tốt để phản ứng nhanh và hiệu quả, đưa châu Á trở thành châu lục lãnh đạo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Lagarde nêu rõ châu Á là châu lục duy nhất trong đó các nhà hoạch định chính sách cảm thấy quan ngại khi tốc độ tăng trưởng chậm 6% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2009, tăng trưởng của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 6% , nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi của châu Á tăng nhanh với tốc độ đáng ngạc nhiên 8%.

Mặc dù vẫn có khả năng bị tổn thương trong quan hệ tài chính đang tăng lên của châu Á với thế giới nhưng khi những nguy cơ này xuất hiện, châu Á cũng ở vị thế tốt để phản ứng hiệu quả.

Bà kêu gọi châu Á cần tiếp tục xây dựng động lực tăng trưởng thứ 2 dựa trên đầu tư và tiêu dùng trong nước ngoài động lực mạnh hiện nay trong xuất khẩu.

Tổng Giám đốc IMF phát đi thông điệp rõ ràng rằng châu Á có vai trò ngày càng tăng lên trong nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu cũng có vai trò đang tăng lên ở châu Á.

Bà nhấn mạnh châu Á cần thể hiện giá trị và ý nghĩa quan trọng của sự lãnh đạo của châu lục đối với nền kinh tế toàn cầu thông qua hợp tác khu vực và toàn cầu.

Suốt 5 năm qua trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thế giới đã nhận rõ cái giá quá đắt phải trả khi thiếu sự hợp tác quốc tế hiệu quả, đặc biệt là phối hợp chính sách toàn cầu để phản ứng trước khủng hoảng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục