Các chỉ số thống kê sơ bộ như đơn đặt hàng mới và môi trường kinh doanh đang cho thấy nền kinh tế Đức chưa thể chứng kiến sự phục hồi bền vững trong những tháng tới.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo hằng tháng của Bộ Kinh tế Đức, công bố ngày 14/8, cho biết nhu cầu trong nước, sự phục hồi thận trọng trong tiêu dùng cá nhân, các ngành dịch vụ và đầu tư là những tia hy vọng khởi sắc đầu tiên.
[Nền kinh tế Đức đối mặt với nợ công cao kỷ lục và suy thoái]
Tuy nhiên, theo bộ trên, nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu, những bất ổn địa chính trị vẫn tiếp tục, tốc độ tăng giá vẫn cao và những tác động ngày càng rõ rệt của chính sách thắt chặt tiền tệ đang khiến sự phục hồi giảm mạnh hơn.
Các số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho thấy quốc gia từng là cường quốc công nghiệp của toàn châu Âu hiện đang phải vật lộn với nhiều khó khăn như giá năng lượng cao, lãi suất tăng cao trong khi các đối tác thương mại chủ chốt lại đang phục hồi với tốc độ chậm chạp.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức không thay đổi trong quý 2/2023 và các nhà kinh tế tiếp tục đưa ra dự báo triển vọng ảm đạm hơn trong những tháng tới.
GDP trong quý 2/2023 đã đi ngang so với quý đầu tiên, với mức tăng trưởng trì trệ bằng 0 trong 3 tháng.
Destatis cho biết dù lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 10,6% trong tháng 10/2022, song với mức 6,4% trong tháng 6, tăng so với tháng 5, đây cũng vẫn là yếu tố gây bất lợi cho nền kinh tế. Điều này được phản ánh trong chi tiêu của các hộ gia đình chưa tăng trở lại đáng kể.
Nhà kinh tế của Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg cho biết các dấu hiệu tổng thể cho thấy hoạt động kinh tế có thể tiếp tục giảm. Không loại trừ khả năng kết quả tiêu cực đối với tăng trưởng GDP sẽ được ghi nhận trong cả năm 2023.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Đức có thể là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy giảm GDP trong năm nay./.