Ngày 12/12, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố Hy Lạp hiện tại không cần tiếp tục thi hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và nếu nước này quyết định tiếp tục cắt giảm chi tiêu thì không nên lấy IMF làm lý do.
Trong một bài viết, nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld và Giám đốc Ban châu Âu Poul Thomsen, 2 quan chức của IMF tham gia vào tiến trình đàm phán nợ Hy Lạp, chỉ trích chính quyền Athens đã "bóp méo sự thật" khi nói rằng IMF yêu cầu Hy Lạp tiến hành cắt giảm chi tiêu công sâu hơn để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính.
Hai quan chức này khẳng định cho đến nay, IMF vẫn bảo lưu quan điểm rằng Hy Lạp hiện tại không cần tiếp tục cắt giảm thêm chi tiêu và tăng thuế.
Cơ quan này thậm chí còn cảnh báo Athens về những nguy cơ đến từ việc thúc đẩy quá mức thặng dư ngân sách cơ bản - chưa tính chi phí trả nợ cho các khoản vay - vượt con số 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà IMF đánh giá là mốc thực tiễn.
Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp đã cam kết với các chủ nợ châu Âu tiếp tục tăng thuế và cắt giảm ngân sách nhằm đưa thặng dư ngân sách cơ bản cán mốc 3,5% GDP, một phần trong thỏa thuận cho vay với Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). IMF đánh giá mục tiêu này "đi quá xa."
Trong bài viết của mình, 2 chuyên gia Obstfeld và Thomsen cho rằng các khoản nợ của quốc gia Nam Âu này hiện ở trong tình trạng "vô cùng bất ổn."
Từ nhiều tháng nay, IMF và 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đang mắc kẹt trong cuộc tranh cãi về cách thức giúp Hy Lạp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội kéo dài 6 năm qua.
IMF ủng hộ một giải pháp nhanh chóng và mang tính quyết định về khoản nợ, đồng thời tuyên bố sẽ không tham gia tài trợ cho giai đoạn cứu trợ 3 với số tiền 86 tỷ euro trừ khi Hy Lạp đảm bảo được tính ổn định của các khoản nợ cũng như tính đáng tin cậy của các cải cách tài khóa. Ngược lại, Eurogroup tiếp tục thương lượng với Hy Lạp về thúc đẩy các cải cách tài khóa để đổi lấy kế hoạch tài trợ.
Ngày 5/12, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurogroup đã nhất trí thông qua một số giải pháp mang tính ngắn hạn và có thể được thực thi rất nhanh để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp, dựa trên đề xuất của ESM. Theo đó, gánh nặng nợ Hy Lạp có thể giảm nhiều tỷ euro và thời hạn trả nợ được kéo dài tới tận năm 2060.
Tuy nhiên thông tin này không làm hài lòng người lao động Hy Lạp, những người đã mất một phần ba thu nhập trung bình kể từ khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu năm 2009.
Hiện nợ công Hy Lạp đã chạm mức 180% GDP bất chấp ba chương trình hỗ trợ tài chính liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU) và IMF triển khai từ năm 2010.
Trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp lên tới 23,4%./.