Các quan chức đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và các cơ chế tài chính khu vực khác ngày 21/4 nhất trí phối hợp hành động nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế và tài chính của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhất là đối với các quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất.
Trong một thông báo chung đưa ra tại một hội nghị truyền hình, các quan chức trên cho biết đã nhất trí phối hợp trong việc triển khai các hoạt động tài chính chung nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Theo thông báo này, “những tình huống chưa từng có đang xảy ra hiện nay đòi hỏi phải có những hành động ứng phó chưa từng có.”
Ngoài việc trao đổi thông tin về nhu cầu của các thành viên, những cơ quan và cơ chế trên cho hay sẽ tìm cách phối hợp hỗ trợ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Mặc dù các cơ quan và cơ chế trên không công bố chi tiết về các dự án hợp tác tài chính tiềm năng song nỗ lực này có thể sẽ được “thiết kế” dựa trên sự hợp tác giữa IMF với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp - dẫn tới việc thiết lập ESM.
Theo một nguồn tin thân cận, mặc dù không quốc gia nào được nhắc tới như “ứng viên” cho sự hỗ trợ trên song IMF và các tổ chức khu vực hiện đang giám sát chặt chẽ tình hình kinh tế thế giới hiện nay trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
[Dịch COVID-19: Cơ hội giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nước nghèo ]
Các Thỏa thuận Tài chính Khu vực (RFA) là những cơ chế hay thỏa thuận mà thông qua đó các nhóm nước cùng cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn tài chính trong khu vực của họ.
ESM, được thiết lập vào năm 2012, cung cấp hỗ trợ cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong khi các khu vực khác cũng có RFA riêng.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Giám đốc quản lý ESM Klaus Regling đã tham gia một cuộc họp đột xuất bên lề Hội nghị mùa Xuân IMF-WB diễn ra dưới hình thức hội nghị truyền hình vào tuần trước để thảo luận về tất cả hành động ứng phó của hai cơ quan này đối với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra hiện nay.
Tuần trước, IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020 do dịch COVID-19, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ Đại Suy thoái hồi thập niên 1930 và cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển cũng như những thị trường mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh này.
Để ứng phó tình hình trên, IMF đã tăng cường khả năng tiếp cận các khoản tài chính và hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho các nước có nhu cầu và đồng ý giảm nợ cho 25 nước có thu nhập thấp thông qua Cơ chế Ủy thác Giảm thiểu Ngăn chặn Thảm họa (CCRT) và thiết lập dòng thanh khoản ngắn hạn cho các quốc gia có chính sách kinh tế lành mạnh.
Các nước thành viên IMF cũng cam kết cung cấp 11,7 tỷ USD để giúp IMF tăng cường nguồn tín dụng cho các quốc gia thành viên với lãi suất thấp hoặc không lãi suất.
Ngoài ra, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ các chủ nợ Paris, với sự ủng hộ của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), đã nhất trí tạm thời giãn nợ cho các nước nghèo nhất./.