Chỉ 48% lượng rác thải trên đảo du lịch Bali của Indonesia được xử lý một cách hợp lý bằng cách tái chế hoặc chôn lấp, trong khi hàng nghìn tấn rác bị đốt hoặc đổ ra các sông ngòi và biển.
Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo trên trong nghiên cứu do Nhóm Đối tác Bali thực hiện trong vòng 5 tháng và được công bố ngày 20/6.
Theo nghiên cứu, giống như nhiều nước châu Á khác, Indonesia gồm hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ có nền kinh tế và dân số phát triển nhanh cùng với nhiều thành phố đông dân nằm trên đường bờ biển trải dài.
Đây là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng rác thải đổ ra các vùng biển xung quanh trong khi hoạt động thu gom, tái chế rác thải hầu như không theo kịp được với tốc độ phát triển nhanh của nước này.
Tại Bali, điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia thu hút khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, rác thải thường xuyên trôi dạt vào bờ biển từng một thời hoang sơ này.
Theo kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện tại các dòng sông, bãi chôn rác và 950 hộ gia đình ở Bali, hòn đảo này đã thải ra khoảng 1,6 triệu tấn rác mỗi năm.
[Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò phát triển bền vững biển và đại dương]
Trong số này có khoảng 303.000 tấn là rác thải nhựa, trong đó 33.000 tấn trôi ra các sông ngòi của Bali.
Du khách nội địa và quốc tế thải ra lượng rác nhiều gấp 3 lần so với của cư dân trên đảo thải ra mỗi ngày.
Trước tình trạng trên, các du khách, các nhóm tình nguyện viên và chính quyền đảo Bali thường xuyên tiến hành hoạt động thu dọn rác. Tỉnh trưởng Bali Ida Bagus Mandhara Brasika nói: "Hiện đã đến lúc ngăn chặn tình trạng thải rác ra đại dương. Chúng ta sẽ bắt đầu từ Bali và sẽ có tác động tới toàn cầu."
Nghiên cứu này là bước đi đầu tiên của Nhóm Đối tác Bali trong thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên hòn đảo này và kêu gọi chính phủ đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường.
Nhóm Đối tác Bali hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp Chính phủ Indonesia trong việc xử lý rác thải và giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở đại dương.
Theo giáo sư Gede Hendrawan của Đại học Udayana ở Bali, người đứng đầu nghiên cứu, Bali cần xây dựng thêm các cơ sở tái chế và xử lý rác thải, quản lý tốt hơn hoạt động thu gom và phân loại rác thải ngay từ các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp.
Cách đây hai năm, Chính phủ Indonesia đã đề ra kế hoạch hành động cấp quốc gia, trong đó cam kết bỏ ra một tỷ USD để giảm 70% lượng rác thải ra đại dương vào năm 2025./.