Ngày 29/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết 22 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu lương thực, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến giá lương thực trong nước gia tăng.
Ông Jokowi cho hay các quốc gia như Uganda, Nga, Bangladesh, Pakistan và Myanmar đã quyết định ngừng xuất khẩu lương thực, trong đó có lúa mỳ và gạo.
Một số quốc gia phát triển ở châu Âu hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do Ukraine và Nga ngừng xuất khẩu lúa mỳ.
Người đứng đầu Chính phủ Indonesia nhấn mạnh không có giải pháp dễ dàng cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trước nguy cơ biến đổi khí hậu.
Tại Indonesia, mùa khô kéo dài do hiện tượng El Nino, nhất là tại bảy khu vực quan trọng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực trong nước.
Theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), bảy khu vực trên bao gồm miền Trung và miền Nam đảo Sumatra; Java; Bali và Nusa Tenggara; miền Nam đảo Kalimantan; phần lớn đảo Sulawesi; tỉnh Bắc Maluku, tỉnh Maluku; và miền Nam đảo Papua.
[Giá gạo tăng mạnh gây rủi ro lớn cho an ninh lương thực toàn cầu]
Tổng thống Jokowi nhấn mạnh sự cần thiết chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng cho 10 năm tới để đảm bảo an ninh lương thực. Với mức tăng trung bình 1,25% mỗi năm, ước tính dân số Indonesia sẽ đạt 310 triệu người vào năm 2030.
Nhà lãnh đạo Indonesia lưu ý rằng ngoài biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình địa chính trị hiện nay.
Theo ông Jokowi, xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung lúa mỳ quốc tế giảm khoảng 207 triệu tấn. Cụ thể, Ukraine giảm xuất khẩu 77 triệu tấn, trong khi Nga ngừng xuất khẩu 130 triệu tấn do lo ngại về an ninh trên biển.
Nhắc lại rằng Indonesia từng nhập khẩu 11 triệu tấn lúa mỳ, trong đó gần 30% có nguồn gốc từ Ukraine và Nga, Tổng thống Jokowi cảnh báo rằng xung đột giữa hai quốc gia này đã khiến giá cả lương thực tăng vọt ở châu Phi, châu Á và châu Âu./.