Chính phủ mới của Indonesia dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joko Widodo có kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện lớn hàng đầu thế giới tại huyện Cilacap, tỉnh Trung Java của nước này.
Nhà máy nhiệt điện mới này dự kiến có tổng công suất 5.000 MW, bao gồm 5 tổ máy với công suất mỗi tổ đạt 1.000 MW. Đây là một phần quan trọng trong chương trình phát triển đầy tham vọng của Indonesia do tân Phó Tổng thống Yusuf Kalla vừa công bố, nhằm bổ sung thêm 35.000 MW vào tổng công suất phát điện của quốc đảo trong vòng 5 năm tới.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Indonesia Indroyono Susilo cho biết giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2015 và đưa 2 tổ máy vào hoạt động thương mại vào năm 2018; toàn bộ nhà máy sẽ được hoàn thiện trong vòng 7 năm xây dựng.
Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Indonesia Sudirman Said cho biết thêm nhà máy nhiệt điện tại Cilacap sẽ sử dụng công nghệ sôi siêu tới hạn cho phép giảm tối đa phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào.
Nhà máy nhiệt điện nói trên, do công ty điện lực Jawa Energy thực hiện với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư Trung Quốc, sẽ là cơ sở phát điện lớn nhất Indonesia, thay cho nhà máy nhiệt điện Paiton ở Probolinggo, tỉnh Tây Java hiện nay có công suất 2.000 MW. Nhà máy nhiệt điện lớn nhất thế giới hiện nay là nhà máy Taichung của Đài Loan (Trung Quốc) với công suất 5.500 MW.
Kế hoạch xây dựng nhà máy nói trên của Indonesia được đưa ra từ cách đây vài năm song chưa được thực hiện do những vấn đề kỹ thuật liên quan đến cấp phép và giải phóng mặt bằng. Trong số 120 ha mặt bằng cần thiết để xây dựng có 70 ha thuộc khu vực quân đội đang sử dụng, 20 ha thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương và phần còn lại thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, trở ngại trên đã được giải quyết khi chính phủ đạt được thỏa thuận thuê đất do quân đội quản lý tại Cilacap để xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Giải phóng mặt bằng luôn là rào cản lớn đối với các dự án xây dựng nhà máy điện tại Indonesia. Cũng vì lý do này mà dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 2.000 MW tại Batang, tỉnh Trung Java, với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư Nhật Bản đã phải trì hoãn nhiều năm.
Tính đến cuối tháng 7/2014, Indonesia đã đạt tổng công suất phát điện 51.980 MW, song với nhu cầu điện tăng trung bình 7%/năm, nước này cần bổ sung hàng năm tới 5.700 MW để có thể tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng điện năng./.