Indonesia tiếp nhận thêm 10 triệu liều vắcxin dạng nguyên liệu thô

Theo Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia, tính đến nay, Indonesia tiếp nhận 28 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ Sinovac, trong đó 3 triệu liều sẵn sàng để sử dụng và 25 triệu liều ở dạng nguyên liệu thô.
Indonesia tiếp nhận thêm 10 triệu liều vắcxin dạng nguyên liệu thô ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 9/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 2/2, người phát ngôn chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi, cho biết trong sáng cùng ngày, quốc gia này đã tiếp nhận nguyên liệu thô từ hãng Sinovac của Trung Quốc để sản xuất 10 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.

Bà Siti cho biết đây là lô vắcxin thứ tư mà nước này tiếp nhận từ Sinovac và sẽ được sử dụng cho các nhân viên công vụ trong giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia. Giai đoạn này sẽ hướng đến 17,4 triệu nhân viên công vụ làm việc tại các bộ phận có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bà Nadia cũng cho biết chương trình tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ hoàn tất chậm nhất vào cuối tháng Hai này.

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 1/2, đã có 539.532 nhân viên y tế được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 mũi đầu tiên và 35.406 người khác được tiêm mũi thứ hai.

Trong khi đó, Tổng thư ký Bộ Y tế Indonesia Oscar Primadi cho biết tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận 28 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ Sinovac, trong đó 3 triệu liều sẵn sàng để sử dụng và 25 triệu liều ở dạng nguyên liệu thô.

Giới chức Indonesia cho biết trong số nguyên liệu thô đã tiếp nhận hôm 12/1, nước này đang xử lý lượng nguyên liệu cho 15 triệu liều và dự kiến sẽ sẵn sàng để sử dụng vào ngày 11/2 tới. Trong khi đó, số nguyên liệu được tiếp nhận ngày 2/2 sẽ bắt đầu được xử lý từ ngày 13/2 và dự kiến hoàn tất vào ngày 20/3.

Tính đến nay, Indonesia đã nhận được các cam kết cung ứng và đặt mua tổng cộng 663 triệu liều vắcxin từ các hãng AstraZeneca của Anh, Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Canada và Pfizer của Mỹ. Quốc gia này cũng đã chính thức khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 hôm 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm ngừa cho 181,5 triệu người trong vòng 15 tháng.

[Dịch COVID-19: Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới]

Trong khi đó, tại Thái Lan, một quan chức y tế nước này cho biết hãng Johnson & Johnson (J&J) hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của hãng tại nước này.

Phó Tổng thư ký Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Indonesia Surachoke Tangwiwat cho biết cơ quan này đã tiếp nhận một số tài liệu để đánh giá về vắcxin của J&J từ cuối tháng trước. Dự kiến quá trình đánh giá diễn ra trong vòng 30 ngày sau khi J&J cung cấp đủ tài liệu.

Như vậy, vắcxin của Johnson &Johnson là loại vắcxin thứ 3 xin cấp phép tại Thái Lan, sau vắcxin của AstraZeneca (Anh) và vắcxin của Sinovac (Trung Quốc). Hồi tháng trước, giới chức Thái Lan đã cấp phép sử dụng khẩn cấp trong 1 năm cho vắcxin của AstraZeneca.

Giới chức y tế Thái Lan cho biết khoảng 50.000 liều vắcxin đầu tiên từ AstraZeneca và 200.000 liều từ Sinovac sẽ được bàn giao trong tháng 2. Chính phủ nước này cho biết đang triển khai mọi khâu chuẩn bị đúng lộ trình để tiến hành tiêm chủng diện rộng từ tháng 6, chủ yếu sử dụng 61 triệu liều vắcxin của AstraZeneca sản xuất trong nước và 2 triệu liều vắcxin của Sinovac đã được cấp phép trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục