Indonesia trên cương vị chủ tịch G20: Cơ hội và thách thức

Cố vấn pháp lý tại Bank Indonesia, ông Kristianus Pramudito Isyunanda có bài ở tờ Jakarta Post mới đây, trong đó bàn luận vai trò của Indonesia trên cương vị là chủ tịch luân phiên năm 2022 của G20.
Indonesia trên cương vị chủ tịch G20: Cơ hội và thách thức ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cố vấn pháp lý tại Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia, BI), ông Kristianus Pramudito Isyunanda có bài viết trên tờ Jakarta Post mới đây, trong đó bàn luận về vai trò của Indonesia trên cương vị là chủ tịch luân phiên năm 2022 của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Lễ bàn giao chính thức sẽ diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome (Italy), dự kiến diễn ra từ ngày 30-31/11/2021.

Nội dung bài viết như sau:

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã chọn chủ đề táo bạo “phục hồi mạnh mẽ, phục hồi cùng nhau,” đặt ra tầm nhìn về việc không ai bị bỏ lại phía sau và sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 không phải là một cuộc cạnh tranh.

G20 là một diễn đàn đa phương bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.

Việc trở thành thành viên G20 mang tính chất độc quyền, song cũng mang tính bao trùm khi G20 là sự hội tụ quan điểm của các quốc gia tiên tiến cũng như mới nổi. Do đó, việc giữ cương vị chủ tịch G20 là một cơ hội chiến lược để nâng cao vị thế quốc gia.

[Indonesia nỗ lực tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022]

Việc "cầm cương" trong năm chủ tịch G20 giữa lúc đại dịch vẫn đang hoành hành trên thế giới mang lại cả cơ hội và thách thức cho Indonesia. Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn ở hầu hết các quốc gia. Kẻ thù vô hình này đã tấn công tất cả các nước, từ nước có thu nhập thấp, trung bình đến các quốc gia có thu nhập cao.

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, hầu hết các quốc gia dường như thực hiện các chính sách hướng nội và hiện nay vẫn duy trì chính sách này. Lời giải thích cơ bản là nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa của từng nước. Thế nhưng, trên thực tế, tất cả các nước đều đang tự bảo vệ riêng mình.

Do đó, phục hồi kinh tế trong nước sẽ không phải là giải pháp tối ưu cho giai đoạn tiếp theo nếu nhiều nước vẫn chưa thể phục hồi cùng lúc.

Vì vậy, tất cả các quốc gia trên toàn cầu cần hỗ trợ lẫn nhau. Sự cần thiết đó khiến ngoại giao kinh tế trở thành một công cụ chiến lược trong nỗ lực phục hồi. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế đang diễn ra, sự đoàn kết cần làm nền tảng cho quan điểm quốc tế ôn hòa (hướng ngoại) trở lại trạng thái cân bằng.

Tuy nhiên, hầu hết các nỗ lực hợp tác quốc tế đều rơi vào vấn đề vĩ mô cơ bản, tức là bản thân hành động tập thể phản chiếu lẫn nhau. Theo diễn giải của Robert Hockett của Trường Luật Cornell, hành động tập thể phản chiếu lẫn nhau xuất phát tự nhiên từ việc nhận thấy thành quả của từng nước, nhưng khi nhiều quốc gia kết hợp lại chưa chắc có thể tạo ra sự phù hợp.

Điều này sẽ dẫn đến một kết quả không như mong đợi ở cấp độ cao hơn. Để xem xét khái niệm của Robert một cách nghiêm túc, cần nghĩ đến việc mở rộng phạm vi hướng tới tầm cỡ tối thượng của nền văn minh, như phạm vi toàn cầu.

Để nhận ra rằng chúng ta đang liên tục giải quyết với hoạt động vốn được gọi là những cuộc họp tầm vĩ mô trên toàn cầu, chúng ta cần thừa nhận rằng vai trò lãnh đạo quốc tế đang gặp nhiều thách thức. Tính hợp lý của từng quốc gia riêng lẻ có thể dẫn đến xung đột lợi ích ở cấp độ toàn cầu một cách rất tự nhiên. Do đó, lãnh đạo toàn cầu cần nhiều hơn khái niệm “dẫn đầu bằng nêu gương.”

Giá trị cơ bản phải là tính tập thể toàn cầu. Điều đó có thể là một việc khó thực hiện, nhưng không phải là không thể nếu có một cách thức phù hợp. Sự thống trị hung hăng của một quốc gia nên bị loại bỏ khỏi phương thức này.

Phân tích về chủ đề trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2022 của Indonesia, chúng ta sẽ thấy 2 khía cạnh nhất quán của một tầm nhìn lãnh đạo quốc tế tuyệt vời.

Điều đầu tiên phản ánh sự chung sức và kết nối. Tầm nhìn này biểu hiện ở chương trình "Hợp tác lẫn nhau" (Gotong Royong) như một giá trị cơ bản của Indonesia. Điều thứ hai thể hiện sự lạc quan mạnh mẽ để xây dựng nền tảng kinh tế mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Cả hai khía cạnh đều phù hợp để thúc đẩy tinh thần đoàn kết toàn cầu để vượt qua mọi thách thức và hướng tới một tương lai toàn cầu tươi sáng hơn.

Đại dịch đã thực sự là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tính ưu việt của sự đoàn kết và tính thần tập thể trong nền kinh tế toàn cầu. Các chương trình nghị sự chiến lược như biến đổi khí hậu, tính bền vững của nợ công, xu hướng kinh tế và tài chính kỹ thuật số và tăng cường kiến trúc tài chính toàn cầu bền vững cần được coi trọng.

Thông qua vai trò chủ tịch G20, Indonesia phải thể hiện được khả năng đưa ra các sáng kiến chiến lược và thuyết phục các thành viên G20 chung tay hành động.

Indonesia trên cương vị chủ tịch G20: Cơ hội và thách thức ảnh 2 Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức trực tuyến, ngày 21/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về mặt pháp lý, cương vị chủ tịch G20 của Indonesia có thể được coi là việc thực hiện nhiệm vụ trong phần mở đầu của Hiến pháp năm 1945 của nước này, trong đó đề cập đến việc tham gia vào việc thiết lập một trật tự thế giới, bao gồm cả trụ cột kinh tế.

Ngoại giao chiến lược không chỉ bao hàm lợi ích về tăng trưởng kinh tế cho quốc gia mà còn phải đảm bảo một cam kết toàn cầu có lợi cho tăng trưởng bền vững hơn.

Điều đó đồng nghĩa với việc Indonesia cần lưu ý lợi ích từ các sáng kiến G20 trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2022 không chỉ dành cho các thành viên của G20 mà còn đối với phần còn lại của thế giới xuất phát từ những mối quan tâm chiến lược chung.

Liên quan đến ngoại giao kinh tế, Indonesia đang đi đúng hướng. Những thách thức của đại dịch không thể hạn chế những đổi mới hướng tới sự tiến bộ. Chúng ta có thể thấy việc mở rộng các sáng kiến hợp tác thanh toán tiền nội địa (LCS) của Ngân hàng Trung ương Indonesia đối với các giao dịch xuyên biên giới. Tính đến nay, Indonesia đã hợp tác với Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc trong việc áp dụng LCS.

Ngoài ra, khuôn khổ mạng lưới an toàn tài chính quốc tế đã rất phong phú để đối phó với tác động của đại dịch đối với lĩnh vực tài chính. Sáng kiến này được triển khai thông qua một loạt các cơ sở hỗ trợ thanh khoản, như thỏa thuận mua lại (hay còn gọi là giao dịch repo) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tình hình kinh tế hiện tại của Indonesia cũng cho thấy sự sẵn sàng để nắm vững cương vị chủ tịch G20. Cán cân thương mại thể hiện khả năng phục hồi bên ngoài của Indonesia đạt 4,47 tỷ USD trong tháng 8/2021, mức cao nhất kể từ tháng 12/2006.

Kỷ lục mới cũng được thể hiện trong dự trữ ngoại hối chính thức. Hồi cuối tháng 8/2021, dự trữ ngoại hối của Indonesia được ghi nhận là 144,8 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 138,8 tỷ USD trước đó trong cả tháng 2 và tháng 4 năm nay.

Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên G20 là một cơ hội to lớn để chứng minh với thế giới thấy rằng Indonesia xứng đáng trở thành quốc gia dẫn đầu tốc độ phục hồi trên toàn cầu.

Vì vậy, chúng ta nên chủ động tập hợp một quan điểm quốc tế tích cực về tiềm năng của quốc gia. Indonesia cần mang tinh thần tập thể toàn cầu nhằm góp phần nâng cao khả năng miễn dịch cho nền kinh tế toàn cầu.

Đã đến lúc vượt ra ngoài mối quan tâm về những gì thế giới có thể cung cấp cho chúng ta và truyền tải những gì Indonesia có thể cung cấp cho thế giới. Chúng ta có thể cùng nhau vượt qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục