“Đạp mây” lướt web

Internet tạo thay đổi ở xã "chóp nón" Tổ quốc

Người dân ở xã miền biên viễn xa xôi cực Bắc Tổ quốc, giờ đây nhờ internet đã từng bước đổi thay trong việc xóa đói nghèo…
Trước đây, thiếu giáo trình giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hậu (trường Tiểu học Lũng Cú) phải gọi điện nhờ bạn bè tìm kiếm, gửi qua đường bưu điện. Thường một lần như vậy cũng phải mất cả tháng trời. Bây giờ, nhờ “cái” internet, cô Hậu chỉ mất chút thời gian…

Không chỉ cô Hậu, người dân ở xã miền biên viễn xa xôi của cực Bắc Tổ quốc, quanh năm “ngẩng mặt thấy đá, cúi xuống thấy mây,” nhờ internet, từng bước đổi thay trong công cuộc xóa đói giảm nghèo…

Vượt đường xa nhìn… máy lạ

Chuyến xe chở chúng tôi tới xã biên giới Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) không ít lần phải kéo, đẩy bởi mưa lũ cản đường. Dưới chân, những áng mây đang vờn quanh, tạo nên một phong cảnh kỳ vĩ của vùng cao nguyên đá. Trên xe, đồn trưởng đồn Biên phòng Lũng Cú, Thượng tá Nguyễn Hải Lý, không ngớt bảo, ông không ngờ ở cái nơi hẻo lánh, phên giậu của quốc gia lại được tiếp cận internet.

Từ nửa đêm, Lý Thị Mỷ đã tỉnh dậy, cùng mẹ gùi hàng đi chợ phiên. Hàng hóa ở chợ Lũng Cú cũng nghèo nàn như triền núi đá chỉ có một màu xam xám và những áng mây trắng lượn lờ cả buổi…

Gỡ chiếc gùi nặng trĩu, bày hàng cho mẹ xong thì trời cũng sáng rõ, Mỷ hớn hở đi về phía Trạm công tác Biên phòng Lũng Cú. Nơi ấy, có 3 chiếc máy tính kết nối internet. Hôm nay, Mỷ lên mạng để gửi thư hỏi thăm bạn học cùng ở trường Phổ thông Trung học huyện Đồng Văn. “Kể từ khi nghỉ hè, em đã học máy tính, lên mạng để liên lạc với bạn bằng chat, email…,” Mỷ nói.

Ngón tay Mỷ gõ bàn phím một cách gượng gạo, cái máy tính chưa làm Mỷ cảm thấy thân thiện. Cạnh đó, một người Mông khác cũng đọc báo điện tử, có người nghe nhạc... còn cô giáo Nguyễn Thị Hậu thì say sưa tìm kiếm giáo trình trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đám trẻ con, nép phía sau, đưa ánh mắt trong leo lẻo nhìn cái “máy lạ” một cách thích thú.

“Kẻ lăng xăng” nhất trong phòng internet hôm ấy có tên là Quỳnh - anh Trung úy biên phòng trẻ măng, áo ướt đẫm mồ hôi dù thời tiết chỉ ngoài 20 độ C. Quỳnh vòng qua hết máy nọ, máy kia để cầm tay, chỉ cho bà con từng cái click chuột, gõ bàn phím… “Bà con chưa biết gì về internet, máy tính nên hướng dẫn khó lắm,” quệt vệt mồ hôi lăn dài trên trán, Quỳnh nói.

Ngớt công việc, Quỳnh tâm sự về những ngày đầu, khi Viễn thông Hà Giang, Công ty Điện toán và Truyền số liệu phối hợp với biên phòng triển khai internet tại đây, mọi thứ cứ như trong mơ. Ở cái nơi chót vót, cao gần 1.600m so với mặt nước biển, lại là “chóp nón” của Tổ quốc, không ai ngờ lại có thể kết nối thứ công nghệ hiện đại của miền xuôi.

Một chiến sĩ khác, nhanh nhảu xen vào câu chuyện, kể, nhiều bà con dân tộc thiểu số do tò mò đã đi bộ cả ngày trời đường núi chỉ để “dòm” chiếc… máy lạ. Thậm chí, nhiều người chỉ đến đấy để xem người khác truy cập internet chứ chẳng nhất thiết phải… đụng vào. Họ ngạc nhiên vô cùng khi thấy trong đó là “một rừng” kiến thức bổ ích về khoa học, kỹ thuật nông, lâm nghiệp…  "Bây giờ, cái gì ở Hà Nội biết, thì Lũng Cú cũng hay."

Không nhiều người Mông ở đây đủ kiến thức để sử dụng. Song, được các chiến sĩ biên phòng chỉ dẫn, từ lạ lẫm đến dần quen, một số người đã biết cách sử dụng “cái” internet để đọc những thông tin cần thiết…

Nâng chất lượng cuộc sống vùng xa

Ngớt tay truy cập, cô giáo Hậu bảo, nhờ internet, chị có thể tiếp cận được với những giáo trình trực tuyến ở website trong ngành để phổ biến cho đồng nghiệp. Lại nữa, mọi giao dịch giữa miền ngược, miền xuôi cũng nhanh chóng và thuận tiện, những người bạn đã gửi tài liệu cho chị Hậu qua email chứ không mất đến cả tuần mới tới nơi như thư gửi theo đường bưu chính…

Nói với phóng viên Vietnam+, Thượng tá Nguyễn Hải Lý phấn khởi lắm. Người chiến sĩ gác phên giậu Tổ quốc có thâm niên hơn 30 năm bảo, internet đã giúp các chiến sĩ ở miền cực Bắc biết thêm nhiều về thông tin trong nước, quốc tế. Ngoài ra, họ cũng nắm được tình hình an ninh biên giới, công tác quản lý an ninh biên giới một cách nhanh chóng - điều mà trước đây chưa từng có.

Rồi ông bảo, ngoài công tác bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới, lực lượng biên phòng còn có nhiệm vụ cùng với dân phát triển kinh tế. Bởi thế, các chiến sĩ đồn Biên phòng Lũng Cú thường xuyên truy cập những trang web về khoa học kỹ thuật nông nghiệp để lấy kiến thức. Ttrong các buổi họp thôn, bản, họ vận dụng, hướng dẫn bà con cách trồng cây, nuôi con gì cho hợp lý để phát triển kinh tế. Ánh sáng khoa học kỹ thuật qua kênh truyền tải này tiện lợi đã giúp bà con dần xóa đi cái đói, cái nghèo…

Lợi ích thiết thực, song, cũng không thể phủ nhận rằng, người đến xem thì nhiều nhưng người truy cập internet ở Lũng Cú hầu hết là biên phòng và giáo viên. Thi thoảng mới có những học sinh trường huyện như Mỷ ra ngồi máy tính.

Lại nữa, toàn bộ máy tính kết nối mạng ở Lũng Cú cũng chỉ có 3. Do đó, chị Hậu bảo, nhiều hôm phải ngồi… xếp lượt. Âu đó cũng là cái khó khăn của vùng cao là vậy!

Ánh chiều tắt hẳn sau ngọn núi phía Tây cũng là lúc chúng tôi rời khỏi cái xã nghèo, nằm tận đỉnh cực Bắc xa xôi của Tổ quốc. Sương đã giăng một lúc lâu, nhiệt độ xuống thấp song trong lòng thấy ấm cúng lạ kỳ. Thấy mừng bởi ánh sáng của khoa học công nghệ đã bước đầu tìm đến với nơi miền biên viễn này. Và, những thông tin đã nhanh chóng đến với người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hay trong công cuộc bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới...

Với nỗ lực đưa internet về vùng sâu, vùng xa, trong những năm qua, Viễn thông Hà Giang và Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) đã triển khai internet công cộng tại các đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần, Nghĩa Thuận, Lũng Cú. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ triển khai tiếp tại các điểm Thanh Thủy, Tùng Vải, Đồng Văn, Xín Cái.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó giám đốc Viễn thông Hà Giang cho hay, để đưa Internet đến được với Lũng Cú, đầu năm 2008, đơn vị này đã huy động cán bộ, công nhân kỹ thuật kéo 25km đường truyền (bắt đầu từ thị trấn Đồng Văn), vượt qua rất nhiều đèo dốc hiểm trở. Hiện, các máy tính của Đồn biên phòng đang sử dụng Internet ổn định với đường truyền Internet ADSL tốc độ băng thông 2Mb/giây.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục