Iran là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới nhưng nước này đang đứng trước nguy cơ bị biến thành nước nhập khẩu năng lượng trong vòng chưa đầy một thập niên nữa.
Giám đốc điều hành Công ty dự trữ nhiên liệu của Iran (IFCO) Nosratollah Seifi khẳng định hôm 29/12 rằng tiêu thụ năng lượng của Iran đang đạt mức rất cao và nếu không chặn đứng được đà gia tăng nhanh của mô hình tiêu thụ năng lượng bất thường như hiện nay thì quốc gia Hồi giáo này sẽ bị buộc phải nhập khẩu năng lượng trong khoảng thời gian ngắn sắp tới từ năm 2021-2025.
Ông Seifi cảnh báo Indonesia và Mexico trước đây từng là các nước xuất khẩu năng lượng lớn, nhưng do quản lý yếu kém và xu hướng tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng khiến các quốc gia này bị biến thành nước nhập khẩu năng lượng.
Trong một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra đối với Iran, quốc gia Hồi giáo này đang tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống còn một nửa trong Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ sáu (2016-2021).
Ông Seifi cho biết theo luật ngân sách mới, khoản tiền 100 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các dự án mua lại nhằm dự trữ và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Seifi cũng nhấn mạnh rằng chính sách này sẽ được đưa vào áp dụng trong năm tới và tính cho đến nay có khoảng 12 dự án với mức chi phí khoảng 30 tỷ USD đã được chuẩn bị trình lên Hội đồng Kinh tế phê duyệt.
Tuy nhiên, cCác dự án cho đến nay tập trung ở các lĩnh vực như giao thông vận tải công cộng, phát triển mạng lưới đường sắt, mở rộng các tuyến tàu điện ngầm tại các thành phố lớn, cải tạo hệ thống xe buýt và taxi, khuyến khích sử dụng xe máy điện, cải cách tiêu thụ điện trong các hộ gia đình và cung cấp khí đốt tới tận nhà dân./.