Iran và Đức hướng tới phục hồi quan hệ hợp tác về kinh tế

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel dẫn đầu phái đoàn cấp cao tới Iran thảo luận về hợp tác kinh tế song phương.
Iran và Đức hướng tới phục hồi quan hệ hợp tác về kinh tế ảnh 1Ông Sigmar Gabriel. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Tehran và các cường quốc, Iran và Đức đã có những động thái hướng tới phục hồi quan hệ kinh tế thương mại từng khăng khít song bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, trong đó có đại diện các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp Đức, đang ở thăm Iran.

Ông Gabriel là quan chức cấp cao phương Tây đầu tiên thăm Iran kể từ khi Tehran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử ngày 14/7 vừa qua. Ông cũng là quan chức cấp cao đầu tiên của Đức thăm Iran trong 13 năm qua.

Phát biểu tại buổi tiếp phái đoàn Đức ngày 20/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng Đức sẽ đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng quan hệ giữa Iran với châu Âu như đã từng làm trong suốt quá trình đàm phán hạt nhân vừa qua.

Tổng thống Rouhani nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Ông cho rằng việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Iran và các quốc gia này là phương tiện đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận. Tổng thống Iran cũng cho rằng việc tăng cường quan hệ giữa Tehran và Berlin sẽ giúp các nước Trung Đông và châu Âu xích lại gần nhau hơn.

Cùng ngày, tại buổi tiếp phái đoàn Đức, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ hy vọng Tehran và Berlin sẽ triển khai các bước nhằm củng cố quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác nhau.

Đề cập tình hình tại Trung Đông, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là những mối đe dọa "nghiêm trọng nhất" đối với các quốc gia trong khu vực.

Theo Ngoại trưởng Rouhani, với tư cách là một quốc gia "ổn định và mạnh mẽ" trong khu vực, Iran sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa này.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Đức Gabriel cho biết các doanh nghiệp Đức rất mong muốn quay trở lại làm ăn tại Iran và thúc đẩy hợp tác với các đối tác địa phương. Ông Gabriel nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 là "khởi đầu mới" cho quan hệ Tehran-Berlin, cũng như cho quan hệ giữa Iran với các nước châu Âu khác.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Namdar Zangeneh, ông Gabriel đã đề cập kế hoạch tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Ủy ban kinh tế Đức-Iran vào năm tới tại Tehran sau một thời gian dài ủy ban này không hoạt động.

Theo thống kê, thương mại hai chiều giữa Iran và Đức trong năm 2014 là 2,6 tỷ USD, giảm mạnh so với 8,6 tỷ USD trong giai đoạn 2003-2004. Ông Schweitzer dự đoán con số này có thể tăng gấp 4 lần lên tới 10,8 tỷ USD trong vòng 2-3 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục