Ngày 19/11, Chính quyền Palestine (PA) và các quan chức của Israel đã tổ chức cuộc họp song phương đầu tiên sau khi PA tuyên bố nối lại quan hệ với Israel sau 6 tháng tẩy chay vì kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel.
Bộ trưởng phụ trách Các vấn đề công dân của Palestine Hussein al-Sheikh đã gặp điều phối viên các hoạt động của chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ của Palestine Kamil Abu Rukun ở thành phố Ramallah. Trong một thông cáo báo chí, ông Hussein al-Sheikh nêu rõ "Chúng tôi nhấn mạnh trong cuộc họp rằng các thỏa thuận được ký giữa hai bên dựa trên tính hợp pháp quốc tế, quyết định mối quan hệ giữa chúng tôi". Ông cho biết thêm hai bên đã nhất trí chuyển toàn bộ tiền thu thuế mà phía Palestine từ chối nhận 6 tháng trước vào ngân sách của PA.
[Palestine và Israel nối lại hợp tác an ninh và dân sự ở khu Bờ Tây]
Ngoài ra, phía Palestine đã bày tỏ rằng họ không chấp nhận các chính sách của Israel đối với các vấn đề như khu định cư, phá dỡ nhà ở và tịch thu đất đai tại các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Trước đó, PA hôm 17/11 cho biết sẽ nối lại hợp tác an ninh và dân sự với Israel ở khu Bờ Tây sau "các cuộc tiếp xúc chính trị" của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã chiếm giữ khu Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, trong đó có Đông Jerusalem và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu vực trên là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi Bờ Tây là "vùng tranh chấp". Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Israel thực thi liên quan đến hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây. Cộng đồng quốc tế luôn coi đây là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này đã trở thành một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc./.