Italy: Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta bị sụp đổ

Italy: Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta sụp đổ

Berlusconi đã rút tất cả 5 bộ trưởng thuộc đảng PDL của mình khỏi liên minh cầm quyền, qua đó gián tiếp hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 28/9, lãnh đạo phe trung hữu của Italy, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã rút tất cả 5 bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của mình khỏi liên minh cầm quyền, qua đó gián tiếp hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba Liên minh châu Âu(EU) này vào hỗn loạn.

Tuyên bố của PDL rút các bộ trưởng khỏi chính phủ, có thể sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử mới hoặc thành lập một liên minh mới, được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Letta thách thức đảng của ông Berlusconi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông tại Quốc hội sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai phe tả và hữu.

Cựu Thủ tướng Berlusconi đã đổ lỗi cho Thủ tướng Letta gây nên cuộc khủng hoảng chính phủ này và cho biết việc ông Letta ngày 27/9 quyết định “đóng băng” các hoạt động của chính phủ là hành động vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận mà chính phủ này dựa vào đó để tồn tại.

Trước đó, tối 27/9, Chính phủ của ông Letta đã không đạt được nhất trí về các biện pháp tài khóa nhằm giữ thâm hụt ngân sách của Italy không vượt quá các mức giới hạn của EU, khiến liên minh tả - hữu cầm quyền mong manh ở nước này gần như bị tan vỡ hoàn toàn. Căng thẳng giữa hai bên đã gia tăng nhiều tuần qua sau những động thái nhằm tước bỏ chức danh Thượng nghị sĩ của ông Berlusconi do ông này vừa bị Tòa án Tối cao kết tội gian lận thuế hồi tháng trước.

Trong khi đó, báo chí sở tại ngày 29/9 đưa tin Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đang cân nhắc các biện pháp nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sau khi các bộ trưởng trung hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi rút khỏi chính phủ liên minh. Ông Napolitano đã nói bóng gió rằng ông sẽ tìm cách giám sát việc thành lập một liên minh mới chứ không cần phải tổ chức tổng tuyển cử.

Tổng thống Napolitano kêu gọi phải duy trì tính liên tục về chính trị ở Italy đồng thời nhấn mạnh rằng Italy cần một quốc hội để thảo luận và làm việc, chứ không phải một Quốc hội cứ thỉnh thoảng lại bị tan vỡ. Italy không cần các chiến dịch vận động tranh cử mới. Italy cần duy trì tính liên tục trong các hành động, các quyết định cũng như các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề của đất nước này./
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục