Italy-Việt Nam có mối quan hệ bền vững, tiềm năng phát triển sâu rộng

Theo các chuyên gia, trong 50 năm qua, quan hệ Italy-Việt Nam đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, cả về hợp tác song phương và đa phương.
Italy-Việt Nam có mối quan hệ bền vững, tiềm năng phát triển sâu rộng ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Nguồn: TTXVN)

Italy và Việt Nam có mối quan hệ bền vững và tiềm năng phát triển sâu rộng là ý kiến được hai chuyên gia Italy đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Rome trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước đến Cộng hòa Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong các ngày 25-28/7.

Về bối cảnh và ý nghĩa của chuyến thăm, ông Andrea Fais, Tổng biên tập Tạp chí Bối cảnh Quốc tế (Scenari Internazionali), đánh giá rằng chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi diễn ra sau chưa đầy 5 tháng kể từ khi Chủ tịch nước nhậm chức.

Tổng biên tập Fais nói: “Với mối quan hệ song phương truyền thống không ngừng được củng cố trong 50 năm qua, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho thấy Italy được Việt Nam coi là đối tác quan trọng hàng đầu ở châu Âu. Đồng thời, chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam là đối tác, người bạn quý từ ngàn xưa và cũng là điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn của du khách Italy... Hệ thống sản xuất của Italy và hầu hết các nước châu Âu đang trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng với lạm phát tăng cao. Thực tế đó cho thấy nền kinh tế các nước trên thế giới đang có sự phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau, trong khuôn khổ tổng thể một thế giới đa cực, đang phát triển và được thúc đẩy nhờ các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam."

Italy-Việt Nam có mối quan hệ bền vững, tiềm năng phát triển sâu rộng ảnh 2Giáo sư Khoa Lịch sử Quốc tế, Đại học Molise, Matteo Napolitano trả lời phóng viên TTXVN. (Ảnh Trường Dụy/TTXVN)

Trong khi đó, ông Matteo Napolitano, Giáo sư Khoa Lịch sử Quốc tế, trường Đại học Molise, Đại biểu quốc tế của Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử và là Biên tập viên của Tạp chí La Civiltà Cattolica, nhận xét: “Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa rất lớn đối với Italy do giá trị mà mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam mang lại trong bối cảnh khu vực châu Á rất năng động, sau 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973) trên cơ sở mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương."

Từ nhiều năm nay, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Italy trong khu vực ASEAN. Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy đã có mức tăng đáng kể, với 21% trong năm 2021 và 11% trong năm 2022, đạt 6,2 tỷ USD.

Trong khi đó, lộ trình để Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) có hiệu lực, vốn yêu cầu phải được Quốc hội Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn, đang tiếp tục được thực hiện.

[Chuyến thăm của Chủ tịch nước mang kỳ vọng mới quan hệ Việt Nam-Italy]

Về triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, ông Napolitano nói: “Tôi tin rằng với mối quan hệ hữu nghị bền chặt truyền thống giữa hai nước, triển vọng của quan hệ song phương sau chuyến thăm của Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng sẽ ngày càng phát triển sâu rộng. Người dân Italy luôn ngưỡng mộ sự cần cù và năng động của người dân Việt Nam, những người chỉ trong vài thập kỷ đã tự khẳng định mình là một điểm tham chiếu cho tăng trưởng kinh tế và là một yếu tố của sự ổn định và đối thoại tại châu Á. Điều này cũng đúng từ quan điểm văn hóa, khi các trung tâm khoa học-văn hóa Italy-Việt Nam và Thư viện Collotti-Pischel ở thành phố Turin, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Hiệp hội Quốc gia Italy-Việt Nam, Diễn đàn Italy-Việt Nam về phát triển bền vững và bảo vệ cảnh quan, cùng nhiều tổ chức khác đã được thành lập và hoạt động tại Italy trong một thời gian dài."

Về phần mình, ông Fais nhấn mạnh tới triển vọng kinh tế của mối quan hệ Italy-Việt Nam. Ông nói: “Các doanh nghiệp Italy rất quan tâm đến Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Với cách tiếp cận đúng đắn, cơ hội cho các doanh nghiệp Italy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng. Tương tự, cơ hội cũng ngày càng rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm đến thị trường Italy. Đến nay, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Italy trong ASEAN, song Italy mới chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa cho chiều hướng tăng trưởng và tái cân bằng trao đổi thương mại giữa hai nước. Cùng với thương mại hàng hóa và dịch vụ, các khoản đầu tư của Italy tại Việt Nam cũng rất quan trọng, chủ yếu tập trung tại 4 vùng kinh tế chiến lược là Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long."

Tổng biên tập Fais dẫn báo cáo của Công ty Tư vấn Dezan Shira Associates cho biết 4 lĩnh vực đáng được chú ý tại Việt Nam trong năm nay là năng lượng, du lịch, công nghệ thông tin và chế biến. Các doanh nghiệp Italy có nhiều thế mạnh khi nắm giữ những bí quyết cực kỳ quan trọng. Sự hiện diện của Italy tại Việt Nam đã khá mạnh và chắc chắn có thể tiếp tục được củng cố trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như năng lượng địa nhiệt, du lịch sinh thái, quản lý dữ liệu và canh tác thông minh.

Italy-Việt Nam có mối quan hệ bền vững, tiềm năng phát triển sâu rộng ảnh 3Giày dép là một trong những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Italy. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng bền vững với công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó coi trọng chất lượng hơn tăng trưởng về số lượng, quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi của người dân, dịch vụ, minh bạch hành chính và môi trường.

Với việc công bố Quy hoạch Tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu rất tham vọng theo nghĩa này. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả. Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh; phát triển các vùng hài hòa, bền vững.

Trong 50 năm qua, quan hệ Italy-Việt Nam đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, cả về hợp tác song phương và đa phương. Với chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tương lai quan hệ song phương càng trở nên tươi sáng và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục