J&J vẫn “mắc kẹt” trong cuộc chiến pháp lý về thuốc giảm đau opioid

Nhiều bang của Mỹ như Georgia, New Mexico, Oklahoma... hiện không nhất trí hoàn toàn với thỏa thuận dàn xếp trị giá 26 tỷ USD với 3 hãng phân phối dược phẩm và công ty Johnson & Johnson.
J&J vẫn “mắc kẹt” trong cuộc chiến pháp lý về thuốc giảm đau opioid ảnh 1Thuốc giảm đau opioid trong một đơn thuốc tại Washington D.C., ngày 18/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có ít nhất 6 bang ở Mỹ đã không nhất trí hoàn toàn với thỏa thuận dàn xếp được đề xuất có giá trị 26 tỷ USD với 3 nhà phân phối dược phẩm và công ty Johnson & Johnson (J&J). Các hãng này bị cáo buộc là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid tại Mỹ.

Ngày 21/8 là hạn để các bang đưa ra quyết định có ủng hộ thỏa thuận dàn xếp trị giá 21 tỷ USD với 3 công ty phân phối dược phẩm McKesson Corp, AmerisourceBergen Corp và Cardinal Health Inc, và một thỏa thuận riêng biệt trị giá 5 tỷ USD với J&J hay không.

Nhưng ngày 23/8, một thông báo qua thư điện tử từ văn phòng của Tổng chưởng lý bang Georgia, ông Christopher Carr, cho biết bang này không phản đối thỏa thuận trên, nhưng sẽ không tham gia vào thỏa thuận này ở thời điểm hiện tại vì việc này không đảm bảo kết quả tốt nhất cho bang Georgia.

[Ấn Độ phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson]

Ngoài ra, các bang New Mexico, Oklahoma, Washington và West Virginia cũng từ chối tham gia vào thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, bang New Hampshire đồng ý thỏa thuận dàn xếp với các công ty phân phối, nhưng từ chối thỏa thuận với J&J.

Được Tổng chưởng lý của 14 bang công bố ngày 21/7, thỏa thuận dàn xếp nói trên nhằm giải quyết hơn 3.000 vụ kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid.

Các công ty kể trên đã bác bỏ các cáo buộc với lập luận rằng các loại thuốc giảm đau này đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, và các đối tượng khác như bác sỹ và các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm đối với sự việc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục